Nội dung chính
Bệnh chàm là gì?
Eczema là một trạng thái viêm lớp nông của da cấp tính hay mạn tính, tiến triển từng đợt, hay tái phát, lâm sàng biểu hiện bằng đám đỏ da, mụn nước và ngứa, nguyên nhân phức tạp nhưng bao giờ cũng có vai trò “thể địa dị ứng”, điều trị còn khó khăn.
Eczema là bệnh ngoài da phổ biến, ngày nay trong tương lai do yêu cầu công nghiệp hóa, sử dụng nhiều hóa chất nên eczema nghề nghiệp sẽ ngày càng tăng lên.
Nguyên nhân bệnh chàm?
Nguyên nhân phức tạp, nhiều khi khó hoặc không phát hiện được.
Nguyên nhân ngoại sinh
Các yếu tố vật lý, hóa học, sinh vật học khi tiếp xúc với da gây cảm ứng viêm da thành eczema (các chất này gọi là dị nguyên).
Ví dụ: thuốc bôi, ánh sáng, thuốc tiêm, uống, các hóa chất dùng trong công nghiệp (cao su, niken, crom, xi măng, sơn…)
Một số bệnh ngoài da gây ngứa (nấm, ghẻ…) do chà sát, thuốc bôi linh tinh, có thể thành eczema thứ phát.

Nguyên nhân nội sinh
Thể tạng dị ứng.
Đột biến gen.
Triệu chứng bệnh chàm?
Vị trí: vùng da nào cũng có thể bị eczema, tuy nhiên tùy theo từng thể lâm sàng mà đám tổn thương hay ở vị trí nào.
Tổn thương cơ bản trong bệnh eczema là đỏ da và mụn nước. Eczema phát triển qua 4 giai đoạn.
Giai đoạn đỏ da
Trên da xuất hiện vết hoặc đám đỏ, hơi nề, cộm nhẹ, ranh giới không rõ rệt, rất ngứa.
Giai đoạn mụn nước (còn gọi là giai đoạn chảy nước)
Mụn nước ngày càng nổi rõ và lan rộng trên đám tổn thương, mụn nước eczema có đặc tính sau:
Mụn nước nhỏ bằng đầu tăm, đầu kim 1 – 2mm.
Nông, tự vỡ.
San sát bên nhau, kín khắp bề mặt thương tổn.
Giai đoạn chảy nước:
Do ngứa gãi nên đám tổn thương bị trợt, chảy dịch nên còn gọi là giai đoạn chảy nước (giai đoạn này kéo dài vài tuần). Tùy theo giai đoạn của bệnh mà hiện tượng chảy nước nhiều hay ít.
Mụn nước bị vỡ
Để lại điểm trợt nhỏ như châm kim, mảng trợt đỏ, rỉ dịch, dễ nhiễm khuẩn thứ phát, có mủ vẩy tiết, viêm, sưng tấy.
Giai đoạn lên da non
Đám tổn thương giảm viêm, giảm xung huyết, giảm chảy dịch. Các vết trợt khô, đóng vảy lên da non thành một lớp da nhẵn bóng như vỏ hành, nền da hơi cộm, sẫm màu.
Giai đoạn lichen hóa, dày sừng.
Eczema tiến triển lâu ngày thì da càng sẫm màu nhiễm cộm, bề mặt xù xì thô ráp, sờ nền cứng cộm, các hằn da nổi rõ, ở giữa các hằn da có các sẩn dẹt quá trình này là niken hóa.
Cần chú ý:
Người ta chia làm 4 giai đoạn để hiểu tiến triển của eczema, nhưng thực tế các giai đoạn không phân chia rõ rệt mà xen kẽ vào nhau, phải xem tổn thương nào chiếm ưu thế để chẩn đoán là eczema cấp, bán cấp hay eczema mạn tính.
- Giai đoạn đỏ da, chảy nước, mụn nước là eczema cấp tính.
- Giai đoạn đóng vẩy lên da non gọi là eczema bán cấp.
- Giai đoạn liken hóa, hằn cổ trâu là eczema mạn tính.
Ngứa là triệu chứng xuyên suốt, xuất hiện sớm nhất, tồn tại dai dẳng.
Tiến triển mạn tính hay tái phát.
Các thể bệnh chàm?
Chàm tiếp xúc:
Có đặc điểm:
Tổn thương xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với dị nguyên.
Loại bỏ căn nguyên tiếp xúc bệnh sẽ giảm dần.
Làm thử phản ứng da (skintest) với chất tiếp xuc (dị ứng nguyên) thường (+), thường làm test áp da, test con tem.
Nguyên nhân: thường do hóa chất trong công nghiệp: cao su, xi măng, crom.
Chàm vi khuẩn
Tổn thương xuất hiện quanh các ổ mủ sẵn có, các vết sây xát da nhiễm khuẩn, vết côn trùng đốt, vết bỏng, lỗ rò, vết mổ.
Vị trí hay gặp: cẳng chân một bên hoặc hai bên.
Đám tổn thương trợt, chảy dịch có mủ dịch, vẩy tiết, giới hạn tương đối rõ.
Quanh đám tổn thương có thể có một số mụn mủ ở xung quanh như nhọt “kiểu vệ tinh”.
Hay có ban thứ phát ở xa: ở mặt, thân mình, các chi.
Viêm da cơ địa
Ở trẻ sơ sinh và bú mẹ thường gặp ở hai má, trán (hình móng ngựa) có đám đỏ, mụn nước ngứa, chảy dịch, vẩy tiết.
Ở người 10 – 15 tuổi hoặc người trưởng thành hay bị ở nếp khuỷu tay, khoeo chân, vùng cổ gáy và các nếp gấp lớn là các đám da liken hóa, ngứa, tiến triển mạn tính.
Điều trị bệnh chàm?
Điều trị tại chỗ
Giai đoạn cấp tính
Dùng dung dịch thuốc tím 1/4000 hoặc nước muối 9‰, becberin 1‰ ngâm tổn thương 20 – 30 phút, sau đó chấm khô (ngày một lần); rồi bôi một trong các loại thuốc sau: dung dịch tím metyl 1%, xanh metylen 1%, nitrat bạc 0,25%, dung dịch Jarish (sáng một lần, chiều một lần) x 7 ngày.
Khi tổn thương khô bôi các loại kem corticoide kết hợp kháng sinh như: flucinar, betnevate, tempovate, gentrison…
Giai đoạn mãn tính
Tổn thương khô có thể dùng mỡ goudron, coaltar, kem corticoid.
Dùng thuốc Đông y
Dung dịch lá trầu không, lá mỏ quạ, lá thồm lồm, ngâm đắp tổn thương cho sạch vẩy tiết, vẩy mủ rồi bôi hồ thanh đại.
Nếu giai đoạn mãn tính có thể dùng goudron thực vật (lấy từ cây thông), dầu cám gạo, cao lòng đỏ trứng gà bôi ngày 2 – 3 lần x 10 – 15 ngày.
Thuốc uống dùng các loại kháng sinh, thanh nhiệt, chống dị ứng (kim ngân, 15g, ké đầu ngựa 15g, tô mộc, 15g, vỏ núc nắc 12g) sắc cho bệnh nhân uống kéo dài.
Điều trị toàn thân
Eczema cấp: cần nghỉ ngơi, hạn chế dùng chất kích thích như rượu, chè, cà phê.
Cần loại bỏ căn nguyên: hóa chất, ổ nhiễm trùng khu trú.
Tránh cạo gãi tỏn thương.
Cho thuốc chống dị ứng.
Coratalin 10 mg x 1 viên/ ngày với người lớn, trẻ em trên 1 tuổi dùng sirophenergan 1‰ x 10ml chia 2 lần.
Dự phòng bệnh chàm?
Ở những người có cơ địa thể tạng eczema cần
Loại trừ các yếu tố có khả năng dễ mắc bệnh:
- Các yếu tố tiếp xúc: các hóa chất, đồ dùng…
- Các yếu tố ăn uống dễ gây tái phát bệnh: cá, tôm, cua, ốc, hến.
Thuốc men:
Cần thận trọng khi dùng các loại thuốc dễ gây dị ứng.
Xử lý tốt ngay từ đầu các ổ nhiễm trùng da để tránh phát sinh thành eczema vi khuẩn.