Mầm bệnh
Là trực khuẩn Shigella, bắt mầu gram (-), không vỏ, không lông, không sinh nha bào.
Trực khuẩn Shigella tồn tại trong nước, thức ăn từ 7-10 ngày ở nhiệt độ phòng, trong đất: 6-7 tuần. Tuy nhiên chúng cũng bị diệt nhanh trong nước sôi và các thuốc khử trùng thông thường.
Nguồn bệnh
Là những người mắc bệnh lỵ trực khuẩn hoặc lành người mang trùng.

Đường lây
Lây theo đường tiêu hóa qua nước uống, thức ăn.
Triệu chứng lâm sàng
Thể lỵ trực khuẩn cấp, điển hình.
- Thời gian ủ bệnh: từ 1-3 ngày
- Khởi phát: Bệnh thường khởi phát đột ngột và nhanh chóng vào giai đoạn toàn phát.
- Toàn phát: Bệnh nhân có các hội chứng sau:
Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc: thường sốt 38-390C, có gai rét. Kèm theo có nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn.
Hội chứng lỵ: đau bụng âm ỉ dọc theo khung đại tràng nhất là vùng hố chậu trái và hạ vị. Có các cơn đau quặn khiến bệnh nhân mót đi ngoài. Khi đi ngoài phải rặn nhiều. Lúc đầu phân còn sệt lỏng, sau không có phân chỉ còn nhầy và máu. Nhầy thường loãng đục như mủ lẫn với máu, phân giống như máu cá hay nước rửa thịt.
- Hội chứng mất nước, điện giải: khát nước, môi khô, đái ít nhưng mạch, huyết áp ít thay đổi.
- Diễn biến: Nếu được điều trị tốt, bệnh nhân có thể khỏi sau 7-14 ngày. Nếu điều trị không tốt, bệnh nhân có thể chuyển sang thể nặng.
Các thể lỵ trực khuẩn nhiễm độc nặng
Hay xảy ra ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi, người già yếu trên 50 tuổi, suy giảm miễn dịch.
Thể tối độc: Bệnh xuất hiện nhanh chóng nặng ngay từ đầu với hội chứng lỵ vừa phải nhưng nhiễm độc thần kinh rất nặng kèm theo có trụy tim mạch và suy hô hấp có thể gây tử vong nhanh sau 24 đến 48 giờ.
Lỵ trực khuẩn cấp, nhiễm độc, mức độ nặng.
Hội chứng lỵ rất nặng: Đau bụng thường xuyên, ỉa liên tục, thậm chí phân tự chảy qua hậu môn. Phân chỉ có mủ và máu.
Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc: thường sốt cao trên 400C (tuy vậy ở người già, suy kiệt có thể sốt nhẹ hoặc không sốt) nét mặt phờ phạc, xanh xám, li bì, có thể hôn mê…
Khát nước, môi khô, mắt trũng, đái ít, chân tay lạnh nhớp nháp mồ hôi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ.
Các biến chứng và di chứng
Biến chứng
Biến chứng tại ruột: Chảy máu ruột, hoại tử ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, lồng ruột, sa trực tràng.
Bội nhiễm: viêm túi mật, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm nấm Candida ruột, nhiễm khuẩn huyết.
Biến chứng toàn thân: co giật, nhiễm độc thần kinh, trụy tim mạch, viêm tắc động tĩnh mạch, nhiễm khuẩn huyết.
Di chứng: viêm đại tràng mạn tính sau lỵ.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
Lâm sàng:
Hội chứng nhiễm trùng nhiễm, nhiễm độc và hội chứng lỵ .
Cận lâm sàng
- Soi trực tràng thấy toàn bộ niêm mạc trực – đại tràng xung huyết, phù nề, có nhiều ở xuất huyết, trợt loét nông và lan rộng.
- Soi phân: Thấy nhiều hồng cầu và bạch cầu đa nhân trung tính, không thấy amip.
- Cấy phân: Trong điều kiện không cấy được phân thì xem tính chất phân để chẩn đoán.
Dịch tễ
Trong cùng gia đình, tập thể và trong cùng thời gian có nhiều người mắc tương tự.
Chẩn đoán phân biệt
Với lỵ do amip
Với nhiễm khuẩn thức ăn do Salmonella.
Điều trị
Kháng sinh:
Ciprofloxacin, Bactrim…
Điều trị triệu chứng
Chống mất nước – điện giải
Mất nước nhẹ: Uống Oresol, nếu không có thì dùng nước cháo, nước thường pha ít muối (8 thìa đường + 1 thìa muối/1 lít nước sôi để nguội).
Mất nước vừa và nặng: Kết hợp uống Oresol (nếu không nôn) và truyền tĩnh mạch các dịch Ringer lactat, Natriclorua 0,9% kết hợp với Glucose 5%….
Giảm đau bụng
Uống dung dịch Beladon 10-15 giọt/lần x 2-3 lần/ ngày, nếu cần tiêm Atropin 1/4mg x 1-2 ống/ngày (dưới da).
Hạ sốt:
Khi sốt > 390C ở trẻ em dễ co giật dùng Paracetamol 20mg-30mg/kg/24 giờ.