Bệnh phong là gì?

Bệnh phong là một bệnh ngoài da lây truyền khá phổ biến ở nước ta, tổn thương chủ yếu ở da và một số dây thần kinh, là một bệnh xã hội trọng tâm cần thanh toán.

Phong không phải là bệnh di truyền mà là bệnh lây truyền, nhưng lây ít (vợ chồng lây 3 – 6%). Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh khỏi hoàn toàn. Khi thấy thay đổi màu sắc trên da và tê bì thì phải đi khám da liễu sớm để phát hiện bệnh phong.

Dịch tễ học bệnh phong?

Căn nguyên

Trực khuẩn Hansen (BH) gây bệnh do nhà bác học Han sen tìm ra năm 1873, giống trực trùng lao nhưng ngắn, thẳng, to hơn và kháng cồn, kháng toan.

BH dễ bị tiêu diệt bằng các thuốc sát trùng thường và đun nóng. BH tập trung nhiều ở các tổn thương da, niêm mạc phù.

Bệnh phong!
Bệnh phong!

Nguồn lây

Nguồn bệnh là bệnh nhân mắc bệnh phong.

Đường lây

Bệnh nhân phong u (LL) thải vi khuẩn qua tổn thương ở da và dịch mũi họng.

Vi khuẩn phong xâm nhập qua da bị xây sát gây bệnh.

Điều kiện lây truyền

Tiếp xúc lâu ngày với bệnh nhân phong không giữ gìn vệ sinh khi tiếp xúc.

Trong quá trình tiếp xúc có xây sát ở da, niêm mạc.

Thể lực yếu, sức đề kháng yếu, điều kiện ăn ở vệ sinh kém.

Trẻ em từ 3 – 10 tuổi dễ bị lây.

Bệnh phong không di truyền, con của người phong nếu cách ly bố, mẹ khi mới lọt lòng sẽ không bị lây bệnh.

Triệu chứng bệnh phong

Xem thêm

Thường phân biệt ở 3 thể phong chính:

  • Phong bất định.
  • Phong củ.
  • Phong u.

Thời gian ủ bệnh 6 tháng đến 3 năm, có thể kéo dài 20 – 30 năm. Lúc đầu có triệu chứng chung: mệt mỏi, ngày ngày sốt từng đợt, nhức đầu, nhức xương, sổ mũi, ra mồ hôi một vùng, rối loạn cảm giác da, đau dây thần kinh. Thời kỳ toàn phát mỗi thể có các triệu chứng sau:

Phong bất định

Là thể nhẹ, lây ít

Tổn thương da

Có một hay nhiều dát đỏ bạc màu, ranh giới rõ hoặc không,  hình tròn hay bầu dục ở chi, mông, viền của dát teo.

Đặc điểm: mất cảm giác đau và không phân biệt được nóng lạnh, khô da, rụng tóc, rụng lông, không ra mồ hôi.

Tổn thương thần kinh

Đau dây thần kinh trụ, sưng thành dây cứng, hạch lổn nhổn dọc theo dây “thừng trụ”.

Bàn tay teo các cơ liền đốt, ô mô út, ô mô cái, ngón 4, 5 co quắp “vuốt trụ”.

Liệt dây thần kinh khoeo, teo cơ phía ngoài cẳng chân.

Xét nghiệm

Tìm trực khuẩn ở nước mũi vằ da ít khi (-).

Phản ứng Mitsuda (±).

Sinh thiết da: thượng bì teo đét, hình ảnh xâm nhập tế bào viêm không đặc hiệu rải rác ở trung bì.

Phong củ

Là thể lành, lây ít, ổn định chứng tỏ sức đề kháng cơ thể tốt.

Tổn thương da

Một hoặc nhiều đám đỏ gồ cao hơn mặt da, tròn hay nhiều cung, ranh giới rõ. Viền của dát có từng củ, cứng, cộm, lấm tấm như hạt vừng, hạt đỗ, hạt ngô, màu đỏ sẫm, bóng mỡ, ở giữa đám da teo bạc màu hơn.

Đặc điểm: giảm hoặc mất cảm giác ở thương tổn, rụng lông, không ra mồ hôi như trong phong bất định. Phong củ có 2 loại:

  • Phong củ nhỏ: củ lấm tấm và ở nông.
  • Phong củ lớn: củ to hơn và ở sâu.

Tổn thương thần kinh

Giống phong bất định, tổn thương thần kinh trụ gẩy vuốt trụ, tổn thương thần kinh hông khoeo ngoài gây bàn chân rủ, rụt ngón chân, loét ở lòng bàn chân.

Xét nghiệm

Tìm trực khuẩn ở mũi, da ít thấy (-).

Phản ứng Mitsuda (++): dùng chất lepromin ở tổn thương phong ác tính tiệt trùng lọc lấy tinh chất; tiêm 0,1 ml trong da phía trước trong cẳng tay, sau 24 – 48 giờ đọc kết quả. Nếu sẩn đỏ (+) chứng tỏ cơ thể có sức đề kháng đối với trực trùng Hansen.

Sinh thiết da thấy teo đét thượng bì, các tế bào viêm ở trung bì tạo thành nang gồm có tế bào lympho, tế bào khổng lồ, tế bào bán liên, tổ chức xơ và không có tổ chức hoại tử bã đậu.

Phong u

Là thể nặng nhất, hay lây nhất, chứng tỏ sức đề kháng yếu, biểu hiện trạng thái tổn thương toàn diện, nhiễm trùng toàn thân.

Tổn thương da

Rải rác toàn thân, ở mặt là u phong, mảng thâm nhiễm màu đỏ mận (gọi là u phong) làm trán, gò má, mũi, tai gồ ghề, trông giống sư tử. Lông mày trụi, hai dái tai xệ, ngón tay, ngón chân sưng to. U phong có thể lở loét, u phong ở mũi làm thủng vách ngăn, chảy máu cam.

Tổn thương thần kinh

Mất cảm giác: đau, nóng, lạnh trên các u phong, tổn thương các dây thần kinh trụ, khoeo nặng hơn các thể.

Tổn thương khác

Viêm hầu họng -> tiếng nói khàn.

Viêm loét giác mạc -> mù.

Viêm tinh hoàn, liệt dương.

Sưng hạch.

Xét nghiệm

Tìm trực khuẩn ở niêm mạc mũi, da 70 – 100% (++).

Phản ứng Mitsuda (-).

Sinh thiết; teo đét thượng bì, xâm nhập dày đặc tế bào viêm ở trung bì.

Điều trị bệnh phong?

Phong là bệnh lây nhưng khẳng định chữa khỏi được.

Điều trị bằng đa hóa trị liệu.

Quan trọng là phòng chống tàn phế.

Ngày nay chủ yếu điều trị tại nhà, thanh toán bệnh phong từng vùng, tiến tới thanh toán trong toàn quốc.

Điều trị toàn diện

Động viên tinh thần để bệnh nhân yên tâm, tin tưởng vào điều trị.

Tăng cường bồi dưỡng sức khỏe bằng ăn uống.

Thuốc

Thuốc điều trị đa hóa trị liệu; phác đồ điều trị dùng nhiều loại thuốc phối hợp.

Đối với thể phong nhiều vi khuẩn

a) Phác đồ điều trị áp dụng cho người lớn

Rifampicin 600mg + clofazimine 300mg + dapsone 100mg: mỗi tháng uống một lần có sự giám sát của thầy thuốc.

Clofazimine 50mg + dapsone 100mg: uống hàng ngày, bệnh nhân tự uống tại nhà.

Thời gian điều trị là 1 năm (12 tháng); theo dõi 5 năm.

b) Phác đồ điều trị cho trẻ em (10 – 14 tuổi)

Rifampicin 450mg + clofazimine 200mg: mỗi tháng uống một lần có sự giám sát của thày thuốc.

Clofazimine 50mg + dapsone 100mg: uống cách ngày, bệnh nhân tự uống tại nhà.

Đối với thể phong ít vi khuẩn

a) Phác đồ điều trị áp dụng cho người lớn

Rifampicin 600mg + dapsone 100mg: mỗi tháng uống một lần có sự giám sát của thày thuốc.

Dapsone 100mg: uống hàng ngày, bệnh nhân tự uống tại nhà.

Thời gian uống thuốc là 6 tháng hoặc uống đủ 6 liều hàng tháng. Theo dõi 2 năm.

Nếu bệnh nhân cân nặng>35 kg thì liều lượng rifampicin giảm xuống 450mg và dapsone chỉ còn 50mg mỗi ngày.

Đối với trẻ em liều lượng sẽ giảm xuống tùy theo cân nặng: rifampicin 12 – 15mg/kg thể trọng, dapsone 1 – 2 mg/kg thể trọng.

b) Điều trị triệu chứng

Đau dây thần kinh:

Phong bế Novocain 0,25g x 1 ống.

Vitamin B1, 0,025g x 1 ống.

Vitamin B12 1000ﻻ x 1 ống.

Bó paradin

Các ổ loét: xử trí bằng phẫu thuật, mỡ kháng sinh.

Phản ứng phong:

Tiếp tục đa hóa trị liệu.

Nghỉ ngơi.

Corticoid toàn thân.

Thuốc giảm đau hạ sốt.

Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, phòng chống tàn phế (mắt, liệt giây thần kinh).

Phẫu thuật tạo hình: điều trị di chứng, tạo hình thẩm mĩ, dùng giầy dép chỉnh hình.

Bồi dưỡng cơ thể: vitamin B12, B6.

Phòng bệnh phong

Tuyên truyền hiểu biết kiến thức khoa học về bệnh phong trong nhân dân.

Tổ chức mạng lưới y tế, phát hiện bệnh nhân sớm, điều trị tích cực theo phác đồ.

Nâng cao thể trạng, vệ sinh cá nhân.

Sau khi điều trị đủ thời gian (1 năm với phong nhiều vi khuẩn và 6 tháng với phong ít vi khuẩn) cần theo dõi tiếp sau khi điều trị, nếu có triệu chứng bất thường hoặc tái xuất hiện lại thì cần đi khám lại.