Bệnh sỏi thận là gì

Sỏi thận là bệnh hay gặp ở nam nhiều hơn nữ (gấp 3 lần) hay gặp ở lứa tuổi từ 30 trở lên. Sỏi thận có thể ở nhu mô thận, đài, bể thận, có khi di chuyển xuống niệu quản, bàng quang.

Đa số sỏi thận là sỏi có Calci. Nhưng một số trường hợp là sỏi urat, oxalat hoặc phosphat. Ở Việt Nam hay gặp sỏi oxalat, 90% nguyên nhân gây sỏi là do mất cân bằng trong chế độ ăn, làm tăng quá trình kết tinh các chất trong nước tiểu.

Các điều kiện thuận lợi gây sỏi như: ứ đọng nước tiểu do dị dạng đường tiết niệu hoặc yếu tố di truyền, nhiễm khuẩn tiết niệu làm các muối khoáng hòa tan sẽ kết tinh từ một nhân tố nhỏ rồi lớn dần thành sỏi.

Bệnh Sỏi thận, Triệu chứng, Nguyên nhân, Cách điều trị!
Bệnh Sỏi thận, Triệu chứng, Nguyên nhân, Cách điều trị!

Triệu chứng lâm sàng Sỏi thận

Đau bụng thận.

Thường đau ê ẩm một bên vùng thắt lưng, có khi đau dữ dội thành cơn đau xuyên ra phía trước lan xuống bộ phận sinh dục ngoài. Thường đau sau khi có hoạt động thể lực mạnh.

Đái ra máu:

Có thể đái máu đại thể (nhìn thấy) hoặc vi thể (soi kính hiển vi) đái máu toàn bãi và cũng xuất hiện sau hoạt động mạnh.

Có thể đái rắt, đái đục:

Nếu có viêm nhiễm kèm theo, có khi đái ra rỏi.

Chụp X quang:

Có thể thấy hình ảnh sỏi (sỏi cản quang)

Xét nghiệm nước tiểu:

Có hồng cầu, bạch cầu, tế bào mủ, tinh thể Oxalat, urat… nếu có protein niệu là có viêm thận, bể thận.

Biến chứng Sỏi thận

Nhiễm khuẩn tiết niệu: gây viêm đài bể thận.

Thận ứ nước, ứ mủ: bệnh nhân có triệu chứng nhiễm khuẩn, toàn thân suy sụp, cần phẫu thuật lấy sỏi hoặc dẫn lưu.

Vô niệu hoặc bí đái: do suy thận cấp hoặc sỏi gây tắc niệu quản, niệu đạo.

Điều trị Sỏi thận

Trong cơn đau:

Dùng thuốc giảm đau, giảm co thắt Papaverin 0,04g x 1-2 viên/ lần.

Atropin 1/4 mg tiêm bắp 1 – 2 ống/lần/ ngày. Đau nhiều dùng Aminazin.

Từng đợt dùng thuốc lợi tiểu và thuốc dãn cơ kết hợp với kháng sinh.

Tán sỏi: ứng dụng sốc sóng điện từ năng lượng cao, để tán sỏi qua da.

Điều trị ngoại khoa:

Phẫu thuật lấy sỏi khi đã có biến chứng hoặc sỏi không thể xuống tự nhiên được.

Điều trị dự phòng (điều chỉnh chế độ ăn) tùy từng loại sỏi:

Nếu sỏi urat: chế độ ăn giảm đạm động vật như thịt, cá… và ăn tăng rau quả.

Nếu sỏi oxalat: tránh thực phẩm giàu acid oxalic như cao gan, chè đặc, rau dền, cà chua, giảm thức ăn giàu calci như: xương, sữa, ốc hến, cua, tôm… hạn chế đường và rượu.

Uống nhiều nước: 3 – 4 lít nước/ ngày để gây đái nhiều trong 2 – 3 ngày, kèm theo vận động như chạy hay đi bộ, nhảy dây.