Hoàng kỳ là gì?

Hoàng kỳ là cây thân thảo, sống được lâu năm và được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh, thuộc một trong những vị thuốc quý trong đông y. Thân cây mọc thẳng đứng, có độ cao trung bình từ 50 – 80 cm và phân chia làm nhiều cành khác nhau. Rễ của cây hoàng kỳ có hình trụ và có đường kính từ 1-2 cm, rễ dài và sâu, dai, vỏ bên ngoài màu nâu đỏ hoặc vàng nâu.

Lá cây thuộc dạng lá kép lông chim sẻ, mọc so le với nhau, trên mỗi cành lá bao gồm 15 – 25 lá chét có hình chứng dài, có chiều dài từ 6 đến 22mm và rộng từ 3 đến 8mm, trên đầu mỗi trục lá có lông trắng, đầu lá nhọn hoặc tròn.

Hoa của cây hoàng kỳ mọc thành chùm ở các kẽ lá và thường dài hơn lá, có cuống hoa dài từ 5-12cm, đài hoa có hình chuông xẻ răng cưa ngắn, không đều, tràng hoa có màu vàng nhạt. Nhị hoa xếp thành 2 bó, bầu có chứa nhiều noãn. Quả của cây hoàng kỳ thuộc họ đậu, có hình bán nguyệt bẹt, có chiều dài từ 2,5cm và chiều rộng từ 9mm, thường có lông dính dát quả, quả to dần về phía đầu và có mũi nhọn ngắn.

Hoàng kỳ có tên khoa học là Astragalus membranaceus (Fisch) Bge thuộc họ Cánh Bướm (Fabaceae) và được biết với những cái tên khác như: Đái thảm, Đái thâm, Thục chi, Bách bản, kỵ thảo, độc thầm,…..

Phân bố:

Hoàng kỳ được phân bố nhiều ở Trung Quốc và sống tốt ở nơi đất cát, thoát nước tốt, bờ rừng, được trồng hoặc mọc hoang nhiều ở các tỉnh Trung Quốc như: Diên An, Du Lâm, Bửu Kê, Đông Bắc, Hoa Bắc, Tây Bắc, Tứ Xuyên…..Ngoài ra loại cây này cũng được di thực vào Việt Nam và được trồng thử nghiệm ở các tỉnh như Đà Lạt, SaPa, tuy nhiên với số lượng chưa lớn nên vẫn phải nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc.

Cây hoàng kỳ, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh!
Cây hoàng kỳ, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh!

Bộ phận dùng làm thuốc:

Xem thêm

Theo các đánh giá thì bộ phận rễ của cây Hoàng kỳ có chứa nhiều dược chất nhất, vì vậy mà rễ cây được sử dụng làm thuốc. Sauk hi đào rễ về, loại bỏ đất cát và làm sạch, sau đó phơi khô hoặc sấy khô là có thể dùng được.

Thành phần hóa học:

Theo sách trung dược học và các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những thành phần hóa học có chứa trong hoàng kỳ bao gồm những thành phần chính như: saccaroza, nhiều loại axit amin, protid (6,16 -9,9%), cholin, betatain, axit folic, vitamin P, amylase, ngoài ra còn chứa tinh bột, đường, các acid amin và chất nhầy.

Những nghiên cứu khoa học về hoàng kỳ:

Trích Luận Văn Hội Nghị Khoa Học Sinh Lý Trung Quốc, trang 135, 1964 cho biết, theo nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy Hoàng kỳ cùng dùng với Đảng sâm trị đạm niệu do Thận hư nhiễm mỡ. Nếu dùng liều cao thuốc có tác dụng làm giảm đạm niệu.

Trích Luận Văn Báo Cáo Tại Hội Nghị Học Thuật Của Hội Dược Học Trung Quốc 1963, trang 332-333 cho thấy nghiên cứu hoàng kỳ có tác dụng giúp bảo vệ gan, chống giảm sút Glycogen ở gan.

Nghiên cứu trên thỏ và chuột cống cho thấy, dịch tiêm hoàng kỳ có tác dụng hưng phấn co bóp tử cung cô lập của chuột cống  và tác dụng giúp ức chế ruột cô lập của thỏ.

Trích Luận Văn Báo Cáo Tại Hội Nghị Khoa Học Sinh Lý Toàn Quốc Trung Quốc Lần Thứ 2, trang 13, 1963 cho thấy, khi dùng lượng lớn hoàng kỳ có thể giảm phù và cải thiện trạng thái dinh dưỡng của cơ thể.

Theo đông y:

Trích theo sách bản kinh cho thấy, Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn, tác dụng giúp lợi tiểu, giải độc, chữa ung nhọt, bổ thận, bổ khí huyết, kiện tỳ vị và giúp bổ trung ích khí.

Công dụng của Hoàng Kỳ:

  • Giúp hỗ trợ làm tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
  • Giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
  • Giúp lợi tiểu, kháng khuẩn và hỗ trợ bảo vệ gan, chống giảm sút Glycogen ở gan.
  • Hỗ trợ giúp bổ khí huyết, bổ thận, chữa ung nhọt và kiện tỳ vị.
  • Hỗ trợ làm tăng cường khả năng ham muốn tình dục và hỗ trợ tăng khả năng của tinh trùng.
  • Hỗ trợ chữa cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Hỗ trợ trị hội chứng mệt mỏi mạn tính, bệnh thận, bệnh tiểu đường và huyết áp cao.
  • Hỗ trợ chữa dị ứng, đau cơ, thiếu máu.
  • Hỗ trợ trị đái tháo đường, đái đục, đái buốt.

Một số bài thuốc về cây hoàng kỳ:

Trị phong thấp, mạch Phù, cơ thể nặng, sợ gió, ra mồ hôi:

Dùng Bạch truật 30g, Cam thảo 20g, Hoàng kỳ 40g, Phòng kỷ 40g. Tán bột. Mỗi lần dùng 20g, thêm Gừng 4 lát, Táo 1 trái, sắc uống.

Trị huyết tý, âm dương đều yếu, mạch bộ thốn và quan đều Vi, bộ xích Tiểu,Kết, bên ngoài cơ thể mất cảm giác, giống như chứng phong tý:

Sử dụng Hoàng kỳ, Quế chi, Thược dược đều 120g, Sinh khương 240g, Táo 12 trái. Sắc, chia ra uống.

Trị vàng da do nghiện rượu, vùng dưới tim đau, chân sưng, tiểu vàng, hoặc uống rượu sinh ra những nốt vàng đen đỏ ở da, do say rượu quá mà gặp gió và nước mà gây ra:

Dùng Hoàng kỳ 80g, Mộc lan 40g, tán bột, uống mỗi lần 8g với rượu, ngày 3 lần.

Trị Phế ung, thổ ra huyết:

Hoàng kỳ 80g, tán bột, mỗi lần dùng 8g sắc với nước uống lúc còn nóng. Ngày uống 3-4 lần.

Trị mồ hôi tự ra:

Bạch truật 80g, Hoàng kỳ 40g, Phòng phong 40g. Tán bột. Mỗi lần dùng 12g, thêm Gừng 3 lát sắc uống.

Lưu ý:

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Để biết thêm thông tin cụ thể vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Mụn đậu sắc đen, khí thịnh, không dùng.

Không có khí hư mà biểu lý có thực tả thì cấm dùng.

Thực chứng mà âm hư dương thịnh, không dùng.