Xạ Can là gì?

 Cây xạ can là một cây thuốc quý. Dạng cây thảo, sống dai, thân rễ mọc bò. Thân bé, có lá mọc thẳng đứng, cao tới 1m. Lá hình mác dài, hơi có bẹ, mọc xen kẽ thành 2 hàng, dài 20-40cm, rộng 15-20mm. Gân lá song song. Lá hình phiến dài, lá ở phía dưới úp lên gốc lá ở phía trên. Cụm hoa có cuống, cánh hoa màu vàng cam điểm đốm tím, 3 nhị, bầu hạ. Quả nang hình trứng, có 3 van, dài 23-25mm. Hạt xanh đen hình cầu. Xạ can có tên gọi khoa học là Belamcanda chinensis (L.) DC. – Ixia chinensis L. Và còn được gọi bằng nhiều tên khác như rẻ quạt, ô siếp, ô bồ, ô phiến, ngọc yến, cao viễn, điểu bồ, tử hồ điệp… Xạ can mang họ khoa học họ lay ơn (iridaceae).

Phân bố:

Thế giới: Ấn Độ, Triều Tiên, phía nam của Nhật Bản, Đông Nam của Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào Việt Nam: mọc hoang ở Thanh Hóa, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Xạ Can, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh!
Xạ Can, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh!

Bộ phận dung của cây xạ can:

Theo một số chuyên gia đánh giá, phần thân rễ của loại cây này có chứa nhiều dược chất nhất, vì vậy mà người ta sử dụng thân rễ của nó để làm thuốc. Sau khi thu hoạch, loại bỏ các tạp chất, sau đó phơi khô hoặc sấy khô là có thể sử dụng.

Thành phần khoa học:

Trong xạ can, người ta đã chiết ra được một chất glucozit gọi là belamcandin C24H24O12 và tectoridin C22H22O11. Có tác giả còn tìm thấy một glucozit khác gọi là iridin C24H28O4và shekanin (xạ can tố) với hiệu suất 0,05%. Belamcandin thuỷ phân sẽ cho glucoza và belamcangenin. Tectoridin thuỷ phân sẽ cho glucoza và tectorigenin (có tinh thể hình phiến, độ chảy 227-230°C).

Những nghiên cứu khoa học về cây xạ can:

Trên cơ sở các nghiên cứu trên thế giới, cùng với mục tiêu làm sáng tỏ tác dụng chữa bệnh của cây xạ can trong dân gian, TS. Lê Minh Hà cùng các cộng sự Phòng Hóa Dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành đề tài nghiên cứu quy trình chiết tách các hợp chất tectorigenin và tectoridin từ thân rễ cây xạ can và đánh giá tính an toàn, tác dụng kháng viêm, giảm ho, trừ đờm của các hợp chất này trên động vật thực nghiệm.

Trải qua 2 năm nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả đáng kể. Đề tài đã xây dựng được quy trình tách chiết hợp chất tectorigenin và tectoridin từ cây xạ can qui mô PTN gồm 6 bước cơ bản, với 10 gam sản phẩm/ mẻ. Sản phẩm thu được sau quy trình có chất lượng tốt, hiệu suất cao, độ sạch đạt trên 95%, độ ổn định cao. Đã xác định được độc tính cấp tính LD50 của chế phẩm TEC-01 là (1,78±0,13) gam/kg chuột và độc tính bán trường diễn với các liều thử 100mg/kg cân nặng và 300mg/kg cân nặng, cho chuột uống thuốc liên tục 28 ngày là an toàn. Về ứng dụng nghiên cứu được qui trình tạo chế phẩm ở qui mô pilot và có thể định hướng tiếp theo tạo sản phẩm thực phẩm chức năng.

Theo đông y:

Xạ can có vị đắng, tính cay có độc, qui kinh phế và can. Có tác dụng thanh hỏa, giải độc, tán huyết, tiêu đờm. Dùng chữa yết hầu sưng đau, đờm nghẽn ở cổ họng. Phàm người tỳ vị hư hàn không dùng được. Xạ can còn là một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân.

Công dụng của xạ can:

Chủ yếu làm thuốc chữa viêm cổ họng, vùng amiđan bị sưng mủ, đau cổ. Nói chung xạ can được coi là một vị thuốc quý chữa mọi bệnh về cổ họng. Ngoài ra còn là một vị thuốc chữa sốt, đại tiểu tiện không thông, sưng vú tắc tia sữa, chữa kinh nguyệt đau đớn, thuốc lọc máu.

Có nơi còn dùng chữa rắn cắn: Nhai nuốt lấy nước, bã đắp lên nơi rắn cắn. Ngày dùng 3-6g dưới dạng thuốc sắc. Hoặc giã củ tươi 10-20g với vài hạt muối, vắt lấy nước, ngậm nuốt dần. Bã đắp ở ngoài. Tuyên thông tà khí kết tụ ở Phế, thanh hỏa, giải độc.

Tiêu đờm, phá trưng kết, khai Vị, hạ thực, tiêu thủng độc, trấn Can, minh mục (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

Thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thủng, sát trùng (Hồ Nam Dược Vật Chí).

Một số bài thuốc về xạ can:

Bài thuốc chữa tắc cổ họng:

Xạ can 4g, hoàng cầm 2g, sinh cam thảo 2g, cát cánh 2g. Các vị tán nhỏ, dùng nước lã đun sôi để nguội mà chiêu thuốc. Bài thuốc này có tên là “đoạt mệnh tán” nghĩa là cướp lại tính mệnh đã nguy cấp

Bài thuôc trị thủy cổ, bụng to như cái trống, bụng kêu óc ách:

Quỉ phiến căn (Xạ can), gĩa vắt lấy nước cốt, uống 1 chén thì sẽ tiêu tiểu xuống thông ngay (Trửu Hậu phương).

Ôn phế hóa đàm, chỉ khái, định suyễn:

Xạ can 12 g, Ma hoàng 12 g, Tử uyển 12 g, Khoản đông hoa 12 g, Sinh khương 12 g, Bán hạ 12 g, Tế tân 4 g, Ngũ vị tử 6 g, Đại táo 3 quả. Sắc nước chia 3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc trị ghẻ lỡ trúng phải xạ độc:

Xạ can, Thăng ma, đều 80g,sắc với 3 chén nước, uống nóng, bã đắp vết thương (Tập Nghiệm phương).

Bài thuốc trị quai bị:

Rễ Xạ cantươi 10-15g, sắc uống, ngày hai lần (Phúc Kiến DânGianThảo Dược).

Bài thuốc trị táo bón tiểu bí:

Rễ Tử hoa biển trúc (Xạ can), gĩa vắt lấy nước cốt 1 chén, uống thì thông ngay (Phổ Tế phương).

Bài thuốc trị họng sưng đau ăn uống khó:

Xạ can (tươi) 160g, Mỡ heo 160g. nấu cho gần khô, bỏ bã. Mỗi lần ngậm 1 viên bằng trái táo, dần dần là khỏi (Tụ Trân phương). Xạ can cho vào với giấm nghiền nát, vắt lấy nước cốt ngậm. Hễ nước miếng ra nhiều thì nhổ đi (Y Phương Đại Thành phương).

Bài thuốc trị khớp gối viêm, té ngã tổn thương:

Xạ can 90g, ngâm với 500ml rượu một tuần, Mỗi lần uống 20ml, ngày 2 lần (An Huy Trung Thảo Dược).

Lưu ý:

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Để biết thêm thông tin cụ thể vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Uống lâu ngày cơ thể bị hư yếu hoặc sinh tiêu chảy

Không dùng cho phụ nữ có thai.