Cây đinh lăng là gì?

Cây đinh lăng thuộc dạng cây thân nhỏ, thân nhẵn và được biết đến là một trong những vị thuốc quý được sử dụng nhiều trong đông y. Cây có chiều cao trung bình từ 0,75 đến 1,5m. Thân nhẵn và không có gai. Lá kép 3 lần xẻ lông chim dài 20-40cm, không có lá kèm rõ. Lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm. Cụm hoa hình chuỳ ngắn 7-18mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ, tràng 5, nhị 5 với chỉ nhị gầy, bầu hạ 2 ngăn có dìa trắng nhat. Quả dẹt 3-4mm, dày 1mm có vòi tồn tại.

Cây đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa L, thuộc họ ngũ gia bì Araliaceae và được biết đến với các tên khác như Cây gỏi cá, Nam dương sâm,…

Phân bố:

Thảo dược này có nguồn gốc từ đảo ở khu vực Thái Bình Dương. Hiện nay cây đinh lăng được trồng ở nhiều địa phương ở nước ta. Ban đầu cây được trồng để làm thực phẩm và làm cảnh. Gần đây, đinh lăng được sử dụng như một loại dược liệu.

Cây đinh lăng, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh?
Cây đinh lăng, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh?

Bộ phần dùng làm thuốc.

Phần được sử dụng làm thuốc là phần lá, thân, cành, rễ. Các bộ phận sau khi thu hoạch, đem rửa sạch, sau đó đem phơi khô ở nơi mát và thoáng gió.

Thành phần hóa học của đinh lăng:

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra, bộ phận rễ cây đinh lăng là bộ phận chứa nhiều thành phần hóa học nhất, lá, cành và thân chứa với nồng độ thấp hơn. Cây đinh lăng có chứa 8 loại saponin (một vài loại tương tự như thành phần trong sâm), glucosid, tanin, khoảng 13 loại axit amin (cystein, methoonin, lyzin,…), alcaloid, vitamin B1, B2, B6,…

Những nghiên cứu khoa học về công dụng của đinh lăng:

Theo “Nghiên cứu về Saponin Đinh lăng và dạng bào chế từ Đinh lăng” của tác giả Võ Xuân Minh thuộc Trường đại học Dược Hà Nội, năm 1992 đã kết luận rằng: Trong Đinh lăng, saponin tập trung nhiều nhất ở vỏ rễ (1%), tiếp đó là lá (0.38%). Saponin toàn phần của Đinh Lăng thể hiện tác dụng tăng lực và an thần nhẹ trên súc vật thí nghiệm.

TS Nguyễn Thị Thu Hương và cộng sự tại Trung tâm Sâm và Dược liệu TP HCM cũng đã dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu tác dụng của cây đinh lăng trong suốt 7 năm (2000-2007). Nghiên cứu của tiến sĩ Hương đã chỉ ra đinh lăng có các tác dụng dược lý tương tự như sâm nhưng giá thành lại rẻ hơn và dễ trồng hơn sâm. Cụ thể, theo nghiên cứu của tác giả, cây có tác dụng tăng thể lực, chống stress, kích thích các hoạt động của não bộ, giải tỏa lo âu, mệt mỏi, chống oxy hóa, bảo vệ gan, kích thích miễn dịch.

Nước sắc đinh lăng có tác dụng kháng với trùng roi Euglena viridis, trùng tiêm mao Paramoecium caudatum và một số động vật nguyên sinh khác trong nước ngâm rơm và nước ao. Nước sắc đinh lăng còn có tác dụng chống choáng phản vệ ở mức độ vừa, bảo vệ được 60% chuột lang qua cơn choáng.

Đinh lăng đã được nghiên cưới tác dụng kích thích miễn dịch không đặc hiệu trong thí nghiệm gây mẫn cảm chuột nhắt bằng hồng cầu cừu. Sau đó 4 ngày, mổ tách tế bào lách và ủ với kháng nguyên trong môi trường. Đếm số tế bào tạo mảng dung huyết và thấy đinh lăng thể hiện tác dụng kích thích miễn dịch mạnh.

Theo đông y:

Rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ, lợi tiểu,…

Công dụng của đinh lăng:

  • Hỗ trợ làm giảm lượng cholesterol trong máu, hạ huyết áp, lợi tiểu.
  • Hỗ trợ điều trị viêm xương khớp và ngăn ngừa sỏi thận.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, cải thiện sự chuyển hóa, tăng cường khả năng chống oxy hóa.
  • Hỗ trợ làm giảm các triệu chứng mãn kinh.
  • Hỗ trợ chữa tê thấp, đau lưng.
  • Hỗ trợ tăng cường chức năng sinh lý và hỗ trợ điều trị liệt dương.
  • Hỗ trợ kích thích ăn ngon, ngủ ngon, tiêu hóa tốt.
  • Hỗ trợ cải thiện trí nhớ, tăng sự tập trung khi làm việc khi làm việc, học tập.

Một số bài thuốc từ cây đinh lăng:

Chữa mệt mỏi:

Lấy rễ cây đinh lăng sắc uống có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể.

Chữa ho lâu ngày:

Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá tất cả đều 8g, củ xương bồ 6g; Gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

Chữa sưng đau cơ khớp, vết thương:

Lấy 40gam lá tươi giã nhuyễn, đắp vết thương hay chỗ sưng đau. Phòng co giật ở trẻ: Lấy lá đinh lăng non, lá già cùng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm.

Chữa đau lưng mỏi gối (chữa cả tê thấp):

Dùng thân cành đinh lăng 20 – 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây. Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ, lá đinh lăng có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa tắc tia sửa hiệu quả. Rễ cây đinh lăng 30-40g. Thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng.

Chữa liệt dương:

Rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g; sa nhân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm gan:

Rễ đinh lăng 12g; nhân trần 20g; ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa thiếu máu:

Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100g, tam thất 20g, tán bột, sắc uống ngày 100g bột hỗn hợp.

Lưu ý:

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Để biết thêm thông tin cụ thể vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.