Cây nhàu là gì?

Cây nhàu là dạng cây thân nhẵn cùng họ với cà phê và là cây thuốc quý được sử dụng nhiều trong đông y. Cây nhàu có chiều cao khoảng 6 đến 8m, thân cây nhẵn nhụi và phân chia thành nhiều nhánh cây khác nhau, thân cành non mập, có 4 cạnh rõ, có màu lục hoặc màu nâu nhạt.

cây nhàu mọc đối xứng nhau, có hình bầu dục, chiều dài của lá rơi vào tầm 12 đến 30 cm, có chiều rộng từ 6 đến 15cm, thường thuôn nhọn về phía đầu lá. Mép lá nguyên, có khi uốn lượn, lá có màu xanh đậm, bóng nhẵn ở mặt trên, mặt dưới màu nhạt hơn. Gân lá có hình lông chim, nổi rõ ở măt dưới, thường có 6 đến 7 cặp gân phụ. Cuống lá dài 1-2 cm.

Hoa thường mọc ở ngoài nách lá, cụm hoa có hình đầu tròn hoặc hơi giống hình bầu dục. Trục cụm hoa có hình trụ, màu xanh, nhẵn, chiều dài trung bình từ 1 đến 2 cm. Hoa có màu xanh nhạt, hoa đều, lưỡng tính, đài hoa là một gờ tròn, có 5 cánh hoa, ống tràng hình phễu, bên trong có nhiều lông trắng. Hoa thường nở vào tháng 1 hoặc 2.

Quả của cây nhàu thuộc dạng quả hạch kép do bầu noãn và một phần lá đài của các hoa trên cụm hoa dính nhau tạo thành. Khi còn xanh quả có màu xanh nhạt, có chiều dài trung bình từ 5 đến 7cm và rộng từ 3 đến 4 cm. Khi quả già có màu ngà vàng, nhẵn bóng, mùi hơi khai và khi chín quả màu vàng, chứa cơm mềm và có thể ăn được. Bên trong quả có chứa nhiều hạt, hình bầu dục, có màu nâu đen.

Cây nhàu có tên khoa học là Morinda citrifolia L thuộc họ cà phê (Rubiaceae) và được biết đến với các tên khác như: Cây ngao, nhầu núi, giầu, noni,….

Cây nhàu, Quả nhàu, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh!
Cây nhàu, Quả nhàu, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh!

Phân bố:

Thuộc dạng cây mọc hoang, thích nghi với vùng nhiệt đới và ôn đới, phân bố nhiều ở vùng Đông Nam Á, Tây Ấn, Đông Polynesia, Hawaii. Ở Việt Nam cây nhàu cũng xuất hiện nhiều, thường mọc ở những vùng ẩm thấp, dọc theo các bờ sông, bờ suối, ao hồ hoặc các mương rạch ở khắp các tỉnh phía Nam và một số tỉnh Miền Trung.

Bộ phận dùng:

Theo nghiên cứu đánh giá thì dược chất chứa ở trong cây nhàu, được phân bố ở khắp các bộ phận của cây như: Quả, lá, vỏ và rễ, vì vậy mà tất cả các bộ phận của cây này đều được sử dụng để làm thuốc. Khi thu hái, rễ của cây được phơi khô và lá, quả dùng tươi.

Thành phần hóa học:

Như các nhà nghiên cứu khoa học phân tích và đã chỉ ra rằng, những thành phần hóa học có trong vỏ, rễ, quả của cây nhàu bao gồm những thành phần chính như là: glucozit anthraquinonie, alkaloids, polysaccharides, sterol (quả và lá ), riêng quả còn có proxeronine, coumarin ….

Những nghiên cứu khoa học về cây nhàu:

Theo bác sĩ Đặng Vân Hồ, Khoa học phổ thông chia sẻ, Rễ nhau được dùng ở miền Nam làm thuốc chữa bệnh cao huyết áp.

Năm 1974, nhà khoa học Levand O và Larson HO, sau khi dành thời gian nghiên cứu về cây nhàu rừng, họ đã đưa ra công bố cây nhàu rừng có các hoạt chất, bao gồm: Scopoletin, Octoanic Acid, Terpenoids, Flavonoids, Rutin, Amino Acid,…

Năm 1992, nhà nghiên cứu Duke JA cũng công bố nghiên cứu của mình đã phát hiện ra 23 hoạt chất, 5 thành phần vitamin, 3 khoáng chất có trong quả nhàu.

Năm 1999 – 2000, nghiên cứu của wang M và cộng sự đã tìm ra 2 hoạt chất mới trong lá cây nhàu rừng bao gồm: Flavonol glycosides và iridoid glycoside cùng với 3 hoạt chất có trong quả nhàu rừng.

Nghiên cứu tại đại học Maharashtra của Ấn Độ cho thấy, dịch chiết cồn của trái nhàu có công dụng giúp tăng khả năng đáp ứng miễn dịch lên đến 33%.

Theo đông y:

Quả nhàu có vị chát, quy vào kinh thận, đại tràng, tác dụng giúp nhuận tràng, lợi tiểu, hoạt huyết, điều kinh, hỗ trợ trị khó tiểu, điều hòa kinh nguyệt, hạ sốt và giúp tăng cướng sức đề kháng cơ thể.

Công dụng của cây nhàu:

  • Giúp giải độc, thanh nhiệt, giảm đau và giúp kháng viêm.
  • Hỗ trợ điều trị nhức mỏi tay chân, đau lưng và hỗ trợ trị đau nhức do phong thấp.
  • Hỗ trợ loại bỏ các loai độc tố và giúp tăng cường khả năng hấp thụ vitamin, khoáng chất.
  • Hỗ trợ giúp giải tỏa tinh thần căng thẳng mệt mỏi và hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch.
  • Giúp nhuận tràng và giúp làm mụn nhọt nhanh lành.
  • Hỗ trợ làm tăng cường khả năng chống oxy hóa và chống viêm trong bệnh tiểu đường.
  • Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng và giúp làm giảm hiện tượng trào ngược dạ dày.
  • Hỗ trợ chữa táo bón, khó tiểu, điều hòa kinh nguyệt, hạ sốt, chữa hen suyễn và giúp điều hòa kinh nguyệt.

Một số bài thuốc về cây nhàu:

Chữa huyết áp cao:

Sử dụng Rễ nhàu 30-40g/ngày, sắc uống thay nước chè, sau 2 tuần là có kết quả, sau đó giảm bớt liều, uống liên tục 2,3 tháng.

Nhức mỏi tay chân, đau lưng:

Sử dụng Quả nhàu non thái mỏng sao khô, 300g ngâm trong 2 lít rượu 30-40 độ sau 2 tuần, uống ngày 2 lần, lần 1 ly con 30-40ml.

Chữa lỵ, tiêu chảy, cảm sốt:

Dùng Lá nhàu tươi 3-6 lá tươi rửa sạch nấu với 500ml nước còn 200ml chia 2 lần uống/ngày. Uống liên tục 2-5 ngày.

Chữa nhức đầu kinh niên, đau nửa đầu:

Sử Rễ nhàu 24g, hạt muồng trâu 12g, cối xay 12g, rau má 12g, củ gấu (sao, tẩm) 8g. Đổ nửa lít nước, sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày, uống lúc thuốc còn nóng.

Chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh, huyết áp cao:

Rễ nhàu 24g, Thảo quyết minh (sao thơm) 12g, rau má 8g, Thổ phục linh 8g, vỏ bưởi 6g, gừng củ 3 lát. Đổ nửa lít nước, sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong một ngày (uống nóng).

Chữa rối loạn kinh nguyệt ở người cao huyết áp:

Quả nhàu 20g, Ích mẫu 20g, Hương phụ (củ gấu) tẩm dấm sao 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Lưu ý:

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Để biết thêm thông tin cụ thể vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.