Rau má là gì?

Rau má là dạng cây thân thảo, mọc bò dưới mặt đất và phân chia nhiều nhánh. Rau má có thân gầy và nhẵn, màu xanh lục hoặc màu lục có ánh đỏ. Rễ mọc từ các mấu của thân cây. Lá của rau má có cuống dài, phiến lá hình thận hoặc có hình gân tròn, gân lá có dạng hình chân vịt trơn nhẵn. Lá mọc ra từ cuống và có độ dài từ 5-20cm. Hoa rau má có màu trắng hoặc phớt đỏ, mọc thành các tán nhỏ, tròn gần mặt đất. Hoa có 5 nhị và 2 vòi nhụy. Quả của cây ra má có hình mắt lưới dày đặc và thường chín sau 3 tháng.

Rau má có tên khoa học là Centella asiatica (L.) Urb thuộc họ Hoa tán – Apiaceae và được biết đến các tên như là tích tuyết thảo, lôi công thảo….

Phân bố Rau má

Rau má có nguồn gốc từ Australia, các đảo Thái Bình Dương, New Guinea, Melanesia, Malesia và châu Á. Rau má là loại cây dễ sống nên mọc hoang ở khắp mọi nơi đặc biệt là những chỗ ẩm mát như ở bên dưới các tán lá của vườn cây hoặc men theo bờ ruộng. Mùa phát triển nhất là tháng 4-6 hàng năm.

Cây rau má, Công dụng, Dược chất, Bài thuốc đông y?
Cây rau má, Công dụng, Dược chất, Bài thuốc đông y?

Bộ phận dùng làm thuốc Rau má

Tất cả các bộ phận của cây ra má được sử dụng làm thuốc, kể cả rễ của cây.

Thành phần hóa học của Rau má:

Dựa theo nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra, trong rau má có chứa các chất như: Beta carotene, sterol, saponin, alkaloid, flavonol, glycosid asiaticosid, centellosid saccharide, canxi, sắt, magiê, mangan, phốt pho, kali, kẽm, các loại vitamins B1, B2, B3, C, K…

Những nghiên cứu khoa học vê rau má:

GS.TSKH Hoàng Tuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện 19-8, cho biết một nghiên cứu mới đây của các tác giả phương Tây cho kết quả cây Centella asiatica (tức cây rau má) có yếu tố chống xơ cứng. Nó có tác dụng làm cho các vết thương chóng lành, lại có khả năng diệt khuẩn và chống độc.

ThS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa y học cổ truyền Bệnh viện Trung ương quân đội 108, thông tin rau má còn là một loại rau rất tốt để giải nhiệt và chữa được nhiều bệnh.

ThS Hoàng Khánh Toàn cho biết thêm, trên lâm sàng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rau má còn có tác dụng giảm đau khá tốt, có hiệu quả với bệnh viêm gan cấp tính.

BS Hoàng Xuân Đại cho biết dịch chiết rau má có hiệu quả tốt với bệnh Alzheimer.

Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm thuộc Sở KH&CN Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu chiết tách hợp chất tritepener từ rau má và ứng dụng trong chế biến các sản phẩm thực phẩm bổ dưỡng” do Thạc sỹ Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố đánh giá đạt loại Khá.

Rau má Theo đông y

Rau má có vị hơi đắng, ngọt, tính hơi mát, tác dụng giúp thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, chỉ thống, lương huyết sinh tân, lợi niệu.

Công dụng của Rau má:

  • Giúp hỗ trợ làm mát gan, giải độc.
  • Hỗ trợ điều trị táo bón và hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.’
  • Giúp thanh nhiệt, lợi niệu.
  • Hỗ trợ làm đẹp da và giảm stress.
  • Hỗ trợ làm lành vết thương và hỗ trợ tốt cho tim mạch.
  • Hỗ trợ làm giảm chứng trầm cảm, lo âu.
  • Giúp hỗ trợ bổ dưỡng cho não và các tuyến nội tiết.
  • Hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh ngoài da và hỗ trợ trị ho, viêm họng.
  • Hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa, giảm tình trạng khó tiêu và hỗ trợ ngăn ngừa viêm loét dạ dày.

Một số bài thuốc từ rau má:

Chữa đau bụng, tiêu chảy, lỵ:

Rửa sạch 30 – 40g rau má (lấy toàn bộ cây), thêm ít muối. Bạn có thể ăn sống hoặc luộc.

Chữa đau bụng kinh nguyệt, đau lưng:

Hái rau má lúc ra hoa, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống 1 lần vào buổi sáng, mỗi lần uống 2 muỗng cà phê.

Chữa vàng da do thấp nhiệt:

Sắc uống 30 – 40g rau má với 30g đường phèn.

Chữa tiểu ra máu:

Lấy một nắm rau má và một nắm ích mẫu thảo, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống.

Chữa táo bón:

Giã 30g rau má và đắp vào rốn.

Thống kinh, Đau lưng, đau bụng, ăn kém uể oải:

Rau má 30g, ích mẫu 8g, Hương nhu 12g, Hậu phác 16g. Ðổ 600ml nước, sắc còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày.

Chảy máu chân răng, chảy máu cam và các chứng chảy máu:

Rau má 30g, Cỏ nhọ nồiTrắc bách diệp mỗi vị 15g sao, sắc nước uống.

Lưu ý:

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Để biết thêm thông tin cụ thể vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.