Cây ba kích là gì?

Ba kích là cây thân thảo, sống leo, sống lâu năm và là một vị thuốc quý được sử dụng rộng rãi hàng ngày và trong đông y. Thân cây có lông bao xung quanh, khi non có màu tím, phía sau nhẵn, có cạnh dọc chạy theo thân. Cành non, có cạnh.

Lá cây mọc đối nhau, có hình mác hoặc hình bầu dục, thuôn nhọn về phía đuôi lá. Lá cây cứng, có chiều dài từ 6 đến 14cm, rộng từ 2,5 đến 6cm, lúc non có màu xanh lục, khi già có màu trắng mốc. Lá đơn nguyên mọc đối hình chữ thập, có chiều dài của lá từ 6 đến 14cm và rộng từ 2,5 đến 6cm.

Hoa nhỏ, lúc non có màu trắng, sau hơi vàng, tập trung thành tán ở đầu cành, dài 0,3-1,5cm, đài hoa hình chén hoặc hình ống gồm những lá đài nhỏ phát triển không đều. Tràng hoa dính liền ở phia dưới thành ống ngắn. Quả hình cầu, khi chín màu đỏ, mang đài còn lại ở đỉnh. Rễ củ soắn như ruột gà dài 15-20 cm, to 1 – 2 cm chia nhiều đoạn to thắt đều đặn. Mùa hoa thường bắt đầu từ tháng 5-6, mùa quả từ tháng 7-10.

Ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis How thuộc họ Cà Phê (Rubiaceae) và được biết với các tên khác như: Bất điêu thảo, ba cức, diệp liễu thảo, đan điền âm vũ, lão thử thích căn, nữ bản, kê nhãn đằng, đường đằng,…

Ba kích, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh?
Ba kích, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh?

Phân bố:

Ba kích thuộc dạng cây mọc hoang, thường phân bố nhiều ở vùng đồi núi thấp của miền núi và trung du ở các tỉnh phía Bắc. Ba Kích có nhiều ở Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Lạng Sơn, Hà Giang, Hà Tây.

Bộ phận dùng làm thuốc:

Phần được sử dụng làm thuốc là phần rễ của cây ba kích. Sau khi thu hoạch, lấy toàn bộ rễ rửa sạch, loại rễ to, mập, cùi dầy, màu tím là loại tốt, đem phơi khô là có thể sử dụng.

Thành phần hóa học có trong cây ba kích:

Theo các nhà khoa học nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thành phần hóa học có trong cây ba kích bao gồm những thành phần chính như: Gentianine, Carpaine, Choline, Trigonelline, Díogenin, Yamogenin, Gitogenin, Tigogenin, Vitexin, Orientin, Quercetin, Luteolin, Vitamin B1. Trong Rễ chứa Antraglycozid, đường, nhựa, Acid hữu cơ, Phytosterol và ít tinh dầu, Morindin. Rễ tươi có sinh tố C.

Những nghiên cứu khoa học về công dụng của ba kích:

Theo nghiên cứu của Trần Mỹ Tiên “ Nghiên cứu tác dụng hướng sinh dục nam của ba kích ( Morinda officinalis How)” kết quả cho thấy trên cơ địa động vật thí nghiệm (chuột) giảm năng sinh dục, sử dụng cao ba kích đã thể hiện tác dụng làm tăng nồng độ testosteron trong máu, tăng trọng lượng của cơ quan sinh dục đực và cơ nâng hậu môn, tăng nồng độ protein toàn phần trong huyết tương và không làm tăng thể trọng cơ thể ở 2 liều thử nghiệm 50mg/kg và 100mg/kg.

Cho chuột thí nghiệm dùng ba kích với liều 5-10g/kg liên tục trong 7 ngày, bằng phương pháp chuột bơi thấy có tác dụng tăng sức dẻo dai cho chuột thí nghiệm.

Theo kết quả nghiên cứu của Qiao-Yan Zhang và cs đã phân tích được 7 hợp chất của anthraquinon từ rễ Ba kích cho thấy tác dụng kích thích đáng kể đến hoạt động ALP tế bào tạo xương ở một liều lượng, hợp chất 1 và 5 cho thấy tác dụng ức chế mạnh mẽ hơn với tế bào hủy xương.

Các thí nghiệm trên chuột lớn và chuột nhắt cho thấy Ba kích không có tác dụng kiểu Androgen nhưng có thể có khả năng tăng cường hiệu lực của Androgen hoặc tăng cường quá trình chế tiết hormon Androgen.

Theo đông y:

Ba kích có vị cay, ngọt, tính hơi ấm, quy vào kinh can, thận. Tác dụng giúp cường gân cốt, an ngũ tạng, bổ trung, tăng chí, ích khí, bổ ngũ lão, ích tinh, bổ phận, cường âm và giúp tán phong thấp.

Công dụng của ba kích:

  • Giúp bổ thận, tráng dương, khử phong thấp.
  • Hỗ trợ điều trị tay chân tê mỏi, đau lưng, mỏi gối.
  • Hỗ trợ làm giảm chứng chán ăn, đầy bụng chướng, táo bón, đau nhức khớp xương.
  • Hỗ trợ trị chuột rút và hỗ trợ điều trị cao huyết áp.
  • Hỗ trợ điều trị liệt dương, di tinh.
  • Hỗ trợ làm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống viêm và tăng cường sức bền, dẻo dai.
  • Giúp ôn thận, trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp.
  • Hỗ trợ trị thận yếu và hỗ trợ tăng cường chức năng sinh lý nam.

Một số bài thuốc từ cây ba kích:

Trị liệt dương, ngũ lao, thất thương, ăn nhiều, hạ khí:

Sử dụng Ba kích thiên, Ngưu tất (sống) đều 3 cân ngâm với 5 đấu rượu, uống.

Trị phụ nữ tử cung bị lạnh, kinh nguyệt không đều, xích bạch đới hạ:

Sử dụng Ba kích 120g, Lương khương 20g, Tử kim đằng 640g, Thanh diêm 80g, Nhục quế (bỏ vỏ)160g, Ngô thù du 160g. Tán bột. Dùng rượu hồ làm hoàn. Ngày uống 20 hoàn với rượu pha muối nhạt.

Trị lưng đau do phong hàn, đi đứng khó khăn:

Ba kích 60g, Ngưu tất 120g, Khương hoạt 60g, Quế tâm 60g, Ngũ gia bì 60g, Đỗ trọng (bỏ vỏ, sao hơi vàng) 80g, Can khương (bào) 60g. Tán bột, trộn mật làm hoàn, uống với rượu ấm.

Trị tiểu nhiều:

Sử dụng Ích trí nhân, Ba kích thiên (bỏ lõi), 2 vị chưng với rượu và muối, Tang phiêu tiêu, Thỏ ty tử (chưngvới rượu). Lượng bằng nhau. Tán bột. Dùng rượu chưng hồ làm hoàn to bằng hạt ngô đồng lớn, mỗi lần uống 12 viên với rượu pha muối hoặc sắc thành thang uống với muối.

Trị bạch trọc:

Sử dụng Thỏ ty tử (chưng rượu 1 ngày, sấy khô), Ba kích (bỏ lõi, chưng rượu), Phá cố chỉ (sao), Lộc nhung, Sơn dược, Xích thạch chi, Ngũ vị tử đều 40g. Tán bột, Dùng rượu hồ làm hoàn, uống lúc đói với nước pha rượu.

Lưu ý!

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Để biết thêm thông tin cụ thể vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Không sử dụng cho người bệnh tướng hỏa quá thịnh, âm hư hỏa vượng, đại tiện bón, tiểu đỏ, miệng đắng, mắt mờ, mắt đau, bứt rứt, khát nước.

Không dùng cho những người âm hỏa vượng.

Người âm hư và bệnh tim không dùng.