Viêm gan Virut là gì?

Có 6 loại virut viêm gan được ghi nhận và ký hiệu là:

  • HAV (Hepatitis A virus): virut viêm gan A
  • HBV (Hepatitis B virus): virut viêm gan B
  • HCV (Hepatitis C virus): virut viêm gan C
  • HDV (Hepatitis D virus): virut viêm gan D (còn gọi virut delta)
  • HEV (Hepatitis E virus): virut viêm gan E
  • HGV (Hepatitis G virus): virut viêm gan G

Dịch tễ học:

Mầm bệnh và đường lây

        Virut   Đường lây HAV HBV HCV HDV HEV HGV
Đường tiêu hoá ++ ± ++
Đường máu (tiêm truyền) ++ ++ ++ ?
Đường sinh dục + + + ?
Đường từ mẹ sang con (qua nhau thai) + + + ?

Nguồn bệnh

Hầu như chỉ là bệnh nhân và người lành mang trùng.

Sức thụ bệnh

Đối với virut viêm gan A, E: Lứa tuổi mắc là trẻ em và thanh thiếu niên, ở người lớn đa số miễn dịch bền vững, nhưng không có miễn dịch chéo.

Đối với virut viêm gan B, D và C: Thường gặp ở người lớn, một số trẻ em mắc là do truyền từ mẹ sang con.

Viêm gan Virut, Nguyên nhân, Lâm sàng, Điều trị?
Viêm gan Virut, Nguyên nhân, Lâm sàng, Điều trị?

Lâm sàng

Thể thông thường điển hình

Thể thông thường điển hình của viêm gan virut là thể có vàng da, có đầy đủ các thời kỳ và các triệu chứng, diễn biến cấp tính và khỏi trong vòng 1-2 tháng.

Thời kỳ ủ bệnh

Chưa có triệu chứng, phụ thuộc vào loại virut viêm gan:

Viêm gan A Viêm gan B Viêm gan C Viêm gan D Viêm gan E
1-6 tuần (15-45 ngày) 1-4 tháng (30-120 ngày) 1-5 tháng (30-150  ngày) 1-3 tháng (20-90 ngày) 1-2 tháng (20-50  ngày)

Thời kỳ khởi phát

Khởi phát của bệnh viêm gan virut rất đa dạng, có các kiểu khởi phát sau:

  • Kiểu rối loạn tiêu hóa:   Bệnh nhân có chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng và đôi khi rối loạn đại tiện.
  • Kiểu viêm khớp: Đau các khớp nhưng không có biến đổi về hình dạng tại khớp.
  • Kiểu viêm xuất tiết: Bệnh nhân sổ mũi, đau họng, ho khan cùng với sốt.
  • Kiểu suy nhược thần kinh: Bệnh nhân mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ

Tuy vậy có trường hợp viêm gan virut không có thời kỳ khởi phát.

Tất cả các kiểu khởi phát trên thường kèm theo sốt nhẹ hoặc vừa vài ngày đến một tuần, đau tức vùng hạ sườn phải, mệt mỏi, nước tiểu vàng thẫm.

Thời kỳ toàn phát

Thời kỳ này có 3 giai đoạn:

Giai đoạn phát triển: vàng da xuất hiện nhanh kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Ở những bệnh nhân vàng da nặng, phân trắng bạc màu giống như phân cò, nước tiểu ít và sẫm màu như nước vối đặc, có người ngứa nhiều.

Giai đoạn thoái lui: là giai đoạn lui bệnh. Vàng da thường kéo dài từ 2-4 tuần nhưng cũng có thể tới vài tháng (ở những thể ứ mật hoặc thể nặng). Giai đoạn thoái lui thường bắt đầu bằng hiện tượng đa niệu. Các triệu chứng lâm sàng cùng với các rối loạn sinh hóa bắt đầu giảm.

Giai đoạn hồi phục: Bệnh  nhân cảm thấy dễ chịu, ăn ngủ được, nước tiểu trong, gan thu dần về bình thường, các xét nghiệm men transaminase, bilirunbin và các chỉ tiêu sinh hóa khác dần dần trở về bình thường. Tuy vậy cảm giác mệt mỏi và tức, nặng ở vùng gan nhất là sau khi ăn còn có thể kéo dài.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng

Sốt, vàng da, rất mệt chán ăn, gan to, mềm,…

Xét nghiệm

Men transaminase (SGOT, SGPT) tăng cao, bilirunbin máu tăng.

Để chẩn đoán căn nguyên ta có thể tìm kháng nguyên hoặc kháng thể (markers) của các virut viêm gan.

Chẩn đoán phân biệt

Thời kỳ khởi phát có sốt: cần chẩn đoán phân biệt với cúm hoặc nhiễm virut đường hô hấp. Ở những bệnh nhân có ỉa lỏng, đau vùng thượng vị lại cần chẩn đoán phân biệt với nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, viêm dạ dày cấp….

Thời kỳ vàng da: cần chẩn đoán phân biệt vàng da do tan máu, sốt rét

Điều trị:

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Chế độ nghỉ ngơi: nằm nghỉ tại giường trong thời kỳ khởi phát và toàn phát, sau đó hoạt động  nhẹ nhàng.

Chế độ ăn giàu đạm, đường , vitamin, giảm mỡ động vật đặc biệt là các món xào, rán. Tăng cường ăn hoa quả tươi, sữa chua.

Kiêng rượu, bia và hạn chế sử dụng thuốc, các hóa chất độc hại cho gan.

Điều trị triệu chứng: lợi mật, truyền dịch, lợi tiểu, hạ sốt; vitamin K khi có hội chứng xuất huyết; các vitamin nhóm B.

Thuốc chống virut: Lamivudin, Ribavirin được dùng cho bệnh nhân viêm gan virut B và C. Để tăng hiệu quả điều trị thuốc chống virut thường được dùng kết hợp với Interferon

Phòng bệnh:

Những biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu

Đối với virut viêm gan lây theo đường tiêu hóa ( A, E) cần phải giữ vệ sinh thực phẩm và nước uống. Quản lý và khử trùng phân của bệnh nhân để tránh lây lan.

Đối với các virut viêm gan lây theo đường máu (B, C, D, G) cần phải đảm bảo khử trùng tốt các dụng cụ tiêm truyền, phẫu thuật. Sử dụng máu và các chế phẩm của máu được kiểm tra chặt chẽ để loại trừ các virut viêm gan. Virut viêm gan B có thể lây truyền qua đường sinh dục do vậy trong quan hệ tình dục cũng phải có dụng cụ bảo vệ  như đối với HIV/AIDS.

Phòng bệnh đặc hiệu

Đối với viêm gan A: Phòng bệnh khẩn cấp bằng Gammaglobulin miễn dịch, hiệu quả bảo vệ chỉ được 4-6 tháng.

Đối với viêm gan B: Vacxin viêm gan B được sử dụng khá rộng rãi và đã nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nước ta.

Đối với các virut viêm gan khác đang nghiên cứu sản xuất vacxin.