Cây rau má và cây rau muống thì ai cũng biết. Thế nhưng, cây rau má lá rau muống thì có thể vẫn còn xa lạ với nhiều người (vì đây chỉ là loại rau dại).

Nói khác hơn, đây là một trong những loại rau rừng mà trước đây, bộ đội Trường Sơn vẫn hay dùng. Và đâu đây, khi bài ca quen thuộc vang lên thì những loài rau rừng cũng theo đó mà đi cùng năm tháng:

Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Hết rau rồi em có lấy măng không.” .

Nếu như rau tàu bay, rau cải trời là những loại thường dùng để nấu canh thì cây rau má lá rau muống lại là thứ rau có thể ăn sống hàng ngày.

Cây rau má lá rua muống
Cây rau má lá rua muống

Đặc điểm và tên gọi

Cây có tên khoa học là Emilia sonchifolia, thuộc họ Cúc: Asteraceae.

Khi cây còn nhỏ, bạn sẽ thấy những lá đầu tiên của nó rất giống với lá của cây rau má (nhất là 3 lá đầu) và khi ăn vào thì cũng thoang thoảng có mùi rau má. Khi cây lớn hơn một tí, lá của nó thon dài hơn và bắt đầu có các khía y như lá rau muống tàu, chính vì thế mà nó có tên là cây rau má lá rau muống.

Ngoài ra, cây còn được gọi bằng cái tên khá dài, đó là “cây rau má lá rau muống cuống rau răm” bởi các cuống của nó cũng giống với cuống của cây rau răm.

Với rau này, thường thì bạn có thể dùng phần lá hoặc đọt non để ăn, ngon nhất là khi lá đang từ rau má chuyển qua rau muống (xẻ thùy), lúc ấy, lặt ngang lá mà ăn thì non và ngon đáo để. Về mùi vị thì có lẽ cây rau má lá rau muống không hấp dẫn như các loại rau thường dùng nhưng nó có vị chua đặc trưng có thể thay thế cho chanh, sấu, khế…,. Và cũng nhờ vị chua đó mà nó còn có một cái tên “rất kêu”, đó là cây chua lè (thật ra mình thấy nó cũng không chua lắm!).

Điều đặc biệt của cây này là thân nhánh mảnh mai với những điểm hoa hồng tím, vì vậy mà nó cũng được gọi bằng một cái tên khác trang trọng hơn là nhất điểm hồng. Ngoài ra, cây còn được gọi là dương đề thảo, hồng bối diệp, cỏ mặt trời, lá mặt trời, tiết gà, tam tróc…

Cận cảnh cây rau má lá rau muống
Cận cảnh cây rau má lá rau muống

Công dụng của cây rau má lá rau muống

Cây rau má lá rau muống, tưởng chừng chỉ là loài rau dại nhưng lại có nhiều công dụng bổ ích. Theo lương y Nguyễn Công Đức thì vị thuốc này có các tác dụng như:

Giải độc cơ thể.

Điều trị ung nhọt.

Điều trị viêm gan mạn tính (vàng da, viêm gan siêu vi B).

Hỗ trợ điều trị ho lâu ngày, ho lao (lao phổi) và viêm phế quản mãn tính.

Điều trị đau họng, viêm họng hạt.

Điều trị sốt cao, tiểu rắt, tiểu buốt, nước tiểu vàng.

Phòng ngừa nhiễm phóng xạ hạt nhân từ đường ăn uống (hiệu quả trong ngày sử dụng).

Liều dùng: Nếu dùng tươi thì lấy từ 30 – 100 g toàn cây (bỏ rễ), giã nát, vắt lấy nước rồi chia thành ba lần uống trong ngày, nếu dùng khô thì sắc lấy nước uống khoảng 20 g.

Ngoài ra, với trường hợp dùng ngoài da, loài cây này cũng rất hiệu quả trong điều trị sưng vú sau khi sinh (do tia sữa không thông), viêm tai giữa, đau mắt đỏ hoặc mụn nhọt. Cách dùng rất đơn giản, chỉ cần hái rau tươi, rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước đắp lên (hoặc nhỏ vào tai, mắt). Nếu bị sởi, các bạn cũng có thể hái lá cây và nấu lấy nước tắm.

Lá cây có hình giống lá rau muống
Lá cây có hình giống lá rau muống

Một số nghiên cứu về cây rau má lá rau muống

  • Hoạt tính chống viêm: Theo tạp chí Fitoterapia, chiết xuất nước và methanolic từ lá của cây rau má lá rau muống giúp giảm chứng phù chân ở chuột.
  • Hoạt tính chống ung thư: Theo tạp chí Journal of ethnopharmacology, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy chiết xuất methanolic từ cây thuốc này có tác dụng chống lại ung thư, trong đó có ung thư nguyên bào sợi từ phổi L- 929.
  • Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí Phytotherapy research, hoạt chất flavonoid được chiết xuất từ cây có tác dụng chống oxy hóa, từ đó giúp cải thiện tình trạng đục thủy tinh thể ở chuột thí nghiệm.

Lưu ý

Cây rau má lá rau muống mặc dù là một loài rau lành tính, có thể dùng trong 3 – 4 tháng để thấy hiệu quả nhưng đối với bệnh lao phổi và các trường hợp nặng, vị thuốc này chỉ có tác dụng phụ trợ giúp bệnh mau hết hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên bỏ ngang quá trình điều trị đang thực hiện mà cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để có sự kết hợp phù hợp.

Xem thêm: Sâm tố nữ có tác dụng gì, Ứng dụng ra sao?