Dị vật thực quản là gì?

Dị vật thực quản là loại hay gặp ở nước ta, thường gặp nhiều hơn dị vật đường thở, người lớn gặp nhiều hơn trẻ em.

Thường gặp nhiều loại khác nhau như thức ăn, xương cá, xương gà, đồ chơi bằng nhựa, mảnh sắt, huy hiệu, kim băng, đồng xu, dị vật sống như cá, tôm.

Nguyên nhân gặp dị vật?

Do tập quán ăn uống là chặt xương lẫn thịt thành mảnh, do ăn vội vàng, người già hỏng răng không nhai được kỹ nên bị hóc xương.

Trẻ em ngậm đồ chơi trong miệng rồi vô tình nuốt vào.

Bản thân thực quản có bệnh tích như sẹo, hẹp, co thắt, khối u là điều kiện để dị vật dễ mắc.

Dị vật thực quản!
Dị vật thực quản!

Dị vật thường mắc ở chỗ hẹp tự nhiên của thực quản.

  • Miệng thực quản.
  • Nơi tương ứng với quai động mạch chủ.
  • Nơi tương ứng với phế quản gốc trái.
  • Nơi thực quản chui qua cơ hoành.
  • Tâm vị.

Trên thực tế 80% dị vật mắc ở đoạn thực quản cổ, 12% ở thực quản ngực, 8% ở cơ hoành và tâm vị.

Triệu chứng thường gặp

Xem thêm

Giai đoạn đầu

Nuốt đau là triệu chứng quan trọng và điển hình, ngay sau khi hóc bệnh nhân đau không ăn được nữa, bỏ dở bữa ăn.

Nếu dị vật nhỏ nuốt vướng là chủ yếu.

Nếu dị vật to quá có thể gây khó thở do chèn ép thành sau khí quản.

Giai đoạn viêm nhiễm

Thường sau 1 – 2 ngày các triệu chứng nuốt đau, đau cổ, đau ngực tăng lên rõ rệt.

Sốt, người mệt mỏi, suy sụp nhanh.

Nếu áp xe dưới niêm mạc, mủ tự vỡ trôi xuống dạ dày rồi khỏi dần, nhưng thường viêm lan tỏa và gây ra các biến chứng.

Giai đoạn biến chứng

Viêm tấy quanh thực quản cổ

Do dị vật chọc thủng thực quản cổ gây viêm nhiễm thành thực quản lan tỏa, viêm mô liên kết xung quanh thực quản.

  • Bệnh nhân sốt cao, thể trạng nhiễm khuẩn, toàn thân suy sụp.
  • Đau cổ, không ăn uống gì được, chảy nhiều nước dãi, hơi thở hôi.
  • Cổ nghiêng sang một bên, quay cổ khó khăn, máng cảnh đầy, ấn rất đau.

Khám: mất tiếng lọc cọc thanh quản.

X quang: cột sống cổ mất chiều cong sinh lý, thực quản dày lên rõ rệt, có thể thấy hình dị vật.

Viêm trung thất

Do áp xe viêm tấy từ cổ xuống, hoặc dị vật chọc thủng thực quản đoạn ngực gây viêm trung thất.

Sốt cao, rét run, có khi nhiệt độ tụt thấp.

Đau ngực, khó thở, mạch nhanh yếu, huyết áp hạ, tràn khí dưới da cổ, ngực.

Chụp X quang: trung thất giãn rộng, có hơi ở trung thất.

Viêm phế mạc mủ

Dị vật chọc thủng thành thực quản, tổn thương màng phổi gây viêm mủ màng phổi.

Bệnh nhân có sốt cao, đau ngực, khó thở. Khám có hội chứng tràn dịch màng phổi.

Thủng động mạch lớn

Do dị vật sắc nhọn hoặc qua quá trình viêm dị vật chui ra gây thủng các động mạch lớn.

Thường xuất hiện sau khi bị hóc dị vật 4 – 5 ngày. Bệnh nhân khạc, nôn ra máu đỏ tươi, số lượng nhiều, tử vong nhanh chóng.

Điều trị dị vật thực quản

Khám chẩn đoán sớm, soi thực quản gắp dị vật là biện pháp tốt nhất.

Viêm tấy quanh thực quản có áp xe: phẫu thuật dẫn lưu mủ ra ngoài.

Áp xe trung thất: mở trung thất dẫn lưu.

Viêm phế mạc mủ: chọc phế mạc hút mủ; bơm dung dịch kháng sinh, hoặc dẫn lưu tối thiểu.

Trong điều trị cần chú ý hồi sức, nuôi dưỡng tốt, kháng sinh liều cao.