Thế nào là rối loạn Kinh nguyệt

  • Dậy thì sớm: bắt đầu hành kinh từ 8 tuổi trở xuống(bình thường 13-16 tuổi).
  • Dậy thì muộn: bắt đầu hành kinh sau 18 tuổi.
  • Mãn kinh sớm: thôi hành kinh trước 40 tuổi (bình thường 45-50 tuổi).
  • Mãn kinh muộn: thôi hành kinh sau tuổi 55.
  • Kinh thưa: vòng kinh dài từ 35 ngày trở lên( bình thường 28+- 7ngày).
  • Kinh mau: vòng kinh ngắn từ 22 ngày trở xuống.
  • Vô kinh: không hành kinh trong một thời gian nhất định, 3 tháng hoặc 6 tháng.
  • Rong kinh: kỳ hành kinh kéo dài trên 7 ngày (bình thường từ 3-5 ngày).
  • Kinh ngắn: kỳ hành kinh chỉ từ 2 ngày trở xuống.
  • Kinh nhiều: tổng lượng máu kinh trong cả chu kỳ trên 200ml (bình thường 50-80ml).
  • Kinh ít: tổng lượng máu kinh trong cả chu kỳ dưới 15ml.
  • Cường kinh:  hành kinh vừa ra nhiều huyết, vừa kéo dài.
  • Thiểu kinh: kinh vừa lượng ít, vừa ngắn ngày.
  • Thống kinh: đau bụng trước, trong hoặc sau khi hành kinh (bình thường không đau hoặc chỉ mỏi lưng).
  • Vòng kinh không phóng noãn: không có phóng noãn trong suốt thời kỳ hành kinh (bình thường có phóng noãn ở độ tuổi hoạt động sinh dục).
Rối loạn Kinh nguyệt, chẩn đoán, điều trị các loại rối loạn kinh nguyệt!
Rối loạn Kinh nguyệt, chẩn đoán, điều trị các loại rối loạn kinh nguyệt!

Vô kinh là gì, các loại vô kinh?

Các loại vô kinh

Vô kinh nguyên phát:  là hiện tượng không có hành kinh khi đã quá tuổi 18.

Vô kinh thứ phát: là hiện tượng không hành kinh lại sau một thời gian: là 3 tháng nếu trước đó kinh đều, là 6 tháng nếu trước đó kinh không đều.

Vô kinh sinh lý: là hiện tượng mất kinh do có thai, do cho con bú hoặc do đã mãn kinh.

Vô kinh giả: là hiện tượng có máu kinh nhưng bị bế tắc không chảy ra ngoài nên mắt không nhìn thấy được. Còn gọi là bế kinh.

Vô kinh bệnh lý: gồm tất cả các trường hợp vô kinh ngoài sinh lý, vô kinh nguyên phát, vô kinh thứ phất, vô kinh giả, bế kinh.

Vô kinh nguyên phát

Nguyên nhân:  thường do bất thường bẩm sinh ở bộ phận sinh dục hoặc ở các tuyến nội tiết liên quan đến hoạt động sinh dục (không có tử cung, không có âm đạo, có vách ngăn âm đạo, màng trinh không thủng, teo tuyến yên bẩm sinh, teo buồng trứng bẩm sinh…)

Phương hướng chẩn đoán nguyên nhân:

  • Cần lưu ý những dấu hiệu nữ tính như phát triển vú, phát triển lông mu. Nếu có phát triển vú, phát triển lông mu tức là buồng trứng có hoạt động. Nếu vú không phát triển, không có lông mu tức là buồng trứng không hoạt động.
  • Nếu vú và lông mu không phát triển, sẽ là 1 trong 2 khả năng hoặc teo buồng trứng bẩm sinh hoặc teo tuyến yên bẩm sinh.
  • Nếu vú và lông mu phát triển, cần xét tiếp: có đau bụng một cách có chu kỳ và ngày càng tăng không:

Có đau bụng như trên: bế kinh do không có âm đạo hoặc màng trinh không thủng.

Không đau bụng như trên: không có tử cung.

Vô kinh thứ phát

Nguyên nhân: dính buồng tử cung do lao, dính buồng tử cung do nạo, suy sớm buồng trứng, mãn kinh sớm, khối u buồng trứng liên quan đến nội tiết, rối loạn hoạt động của tuyến vỏ thượng thận, tuyến giáp.

Phương hướng chẩn đoán nguyên nhân:

  • Nếu có triệu chứng nghén, cương vú và đầu vú thâm: cần nghĩ  đến có thai.
  • Chưa từng sảy, đẻ, nạo tử cung lần nào: nghĩ đến dính buồng tử cung do lao sinh dục.
  • Đã từng được nạo tử cung và sau khi nạo bị mất kinh: nghĩ  đến dính buồng tử cung do nạo. Dính buồng tử cung dù do nguyên nhân gì vì không có niêm mạc tử cung và không có bong niêm mạc tử cung nên không có máu kinh.
  • Nếu có mọc râu, mọc lông chân, lông bụng theo kiểu nam giới, nghĩ đến:

Khối u buồng trứng tiết hormon nam.

Vỏ thượng thận tăng tiết hormon nam.

  • Không có những đặc điểm nam tính hóa nói trên, nghĩ đến:

Suy sớm buồng trứng: buồng trứng đã suy kiệt các nang noãn, không còn hoạt động đủ để làm thay đổi niêm mạc tử cung và gây ra kinh nguyệt.

Mãn kinh sớm: nguyên nhân giống như suy sớm buồng trứng, nhưng ở đây buồng trứng đã ngưng hoạt động hoàn toàn.

Giảm hoạt động nội tiết buồng trứng do: dinh dưỡng kém, tinh thần căng thẳng, lo lắng, sợ sệt, vú tiết sữa.

Phương hướng xử trí:

  • Nói chung tất cả những trường hợp vô kinh thứ phát trên 3 tháng đều nên đi khám bệnh để tìm rõ nguyên nhân.
  • Trước khi đi khám bệnh nên xác định xem có thai không (có thể thử nước tiểu).
  • Nếu là vô kinh nguyên phát kèm theo đau bụng có chu kỳ: dễ là bế kinh, phải chích cho máu kinh thoát ra.
  • Vô kinh nguyên phát không kèm theo đau bụng, vú và lông mu có phát triển đôi chút, có thể chờ thêm tới tuổi trên 20 mới cần đi khám. Trong khi chờ đợi, chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sống thoải mái, lành mạnh.
  • Tất cả những trường hợp vô kinh sau đây cần được đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt:

Đau bụng dưới hàng tháng có chu kỳ

Vú có tiết sữa (không phải sau sảy, đẻ)

Mọc râu, lông chân, lông bụng theo kiểu nam giới

Rong kinh, rong huyết

Đặc điểm

Rong kinh là hiện tượng ra huyết có chu kỳ và kéo dài trên 7 ngày (hành kinh kéo dài trên 7 ngày)

Rong huyết là hiện tượng ra huyết không có chu kỳ, kéo dài trên 7 ngày

Rong kinh và rong huyết đều tính theo thời gian, không kể lượng máu kinh nhiều hay ít

Rong kinh nếu kéo dài trên 15 ngày thường biến thành rong huyết, lúc ấy gội là rong kinh-rong huyết. Ban đầu vì là rong kinh nên máu kinh không đông, về sau vì có rong huyết nên máu ra có thể đông.

Rong kinh, rong huyết, rong kinh-rong huyết đều ảnh hưởng đến sức khỏe vì làm thiếu máu.

Vì ra máu kéo dài nên có thể gây viêm nhiễm do máu là môi trường phát triển rất tốt của vi khuẩn. Có thể gây nhiễm khuẩn huyết.

Rong kinh – rong huyết cần điều trị càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Các bệnh về máu gây rối loạn đông máu khiến máu chảy lâu cầm (Haemophilia, các bệnh về gan, thận).

U xơ tử cung

Viêm niên mạc tử cung

Các nguyên nhân dẫn đến hoạt động nội tiết kém của buồng trứng, đặc biệt sau tuổi dậy thì, trước tuổi mãn kinh.

Chẩn đoán nguyên nhân

Rong kinh từ kỳ đầu tiên: nghĩ đến bệnh Haemophilia. Cần hỏi thêm các rối loạn chảy máu kéo dài khác như khi đứt tay chảy máu lâu cầm, chảy máu chân răng khi đánh răng…

Sau tuổi dậy thì, kinh không đều: nghĩ tới rong kinh tuổi trẻ do rối loạn hoạt động nội tiết.

Sau sảy, đẻ nhiễm khuẩn: nghĩ đến viêm niêm mạc tử cung (kinh vẫn đều).

Tuổi 35-45, kinh vẫn đều, xa những lần sảy, đẻ: cảnh giác u xơ tử cung.

Nguyên tắc xử trí

Trước hết là điều trị triệu chứng giúp cho cầm máu nhanh: thuốc co tử cung, nạo buồng tử cung nếu đã có chồng.

Nếu thiếu máu nhiều, phải truyền máu hồi sức.

Đối với rong kinh tuổi trẻ, cần dùng hormon sinh dục nữ như: oestrogen, progestin: chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Đối với người trong độ tuổi sinh đẻ cần chụp buồng tử cung để loại trừ những tổn thương viêm, u xơ, sảy thai.

Đối với rong kinh tiền mãn kinh: bao giờ cũng phải nạo buồng tử cung, kể cả trường hợp người bệnh chưa có chồng để cầm máu nhanh và lấy mảnh nạo để tìm tế bào ung thư.

Hạn chế tới mức tối thiểu việc sử dụng oestrogen trong rong kinh tiền mãn kinh, đề phòng tiến triển thành ung thư (ung thư tử cung).

Thống kinh

Thống kinh là hành kinh đau. Hay gặp nhất là đau bụng dưới, có thể xuyên ra cột sống, lan xuống đùi và lan ra toàn bụng. Có thể kèm theo đau ngực, căng vú, buồn nôn, thần kinh bất ổn định, có thể đau trước, trong hoặc sau kỳ hành kinh.

Phân loại

Thống kinh nguyên phát: còn gọi là thống kinh sớm: xảy ra không lâu sau kỳ hành kinh đầu tiên.

Thống kinh thứ phát: còn gọi là thống kinh muộn: xảy ra 10, 15 năm sau, thậm chí muộn hơn.

Thống kinh cơ năng: là trong trường hợp không thấy tổn thương gì gây được thống kinh: khám phụ khoa thấy bình thường.

Thống kinh thực thể: là trường hợp khám thấy tổn thương gây ra được thống kinh (ví dụ: tử cung đổ ra sau, chít lỗ cổ tử cung khiến máu kinh khó thoát ra…)

Thống kinh nguyên phát thường là cơ năng.

Thống kinh thứ phát thường là thực thể.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây thống kinh cơ năng:

Tử cung co bóp quá mạnh.

Cơ thể dễ kích thích đau. Dễ xúc động.

Nguyên nhân gây thống kinh thực thể:

Tử cung có tư thế bất thường: quá đổ ra sau, bị viêm dính không di động. Khi co bóp để tống máu kinh ra ngoài thì gây đau.

  • Có u xơ tử cung, nhất là u xơ chẹn vào lối thoát của máu kinh.
  • Sẹo chít lỗ cổ tử cung khiến máu kinh bị ứ đọng. Lạc nội mạc tử cung ở nơi niêm mạc tử cung lạc chỗ và gây đau.

Phương hướng xử trí

Đối với thống kinh nguyên phát mà phần lớn là cơ năng, việc điều trị cần kết hợp nhiều mặt:

Tâm lý liệu pháp: khuyên giải cho người bệnh yên tâm và tin tưởng rằng sẽ tự khỏi dần và khỏi hẳn.

  • Thuốc giảm đau, chống co thắt (paracetamol, papaverin…)
  • Thể dục liệu pháp: năng tập thể dục nhẹ nhàng cho khí huyết lưu thông. Tập luyện giữ cho tinh thần thư giãn thoải mái, khiến đầu óc đỡ căng thẳng, đỡ bị kích thích.

Đối với thống kinh thứ phát mà phần lớn có nguyên nhân thực thể nghĩa là có thay đổi ở bộ phận sinh dục hoặc liên quan đến bộ phận sinh dục, cần chú ý điều trị nguyên nhân và có phương án điều trị thích hợp.

Dự phòng

Thống kinh nguyên phát: chủ yếu là tâm lý dự phòng, nghĩa là chuẩn bị cho các bé gái trước khi hành kinh lần đầu tiên có được tinh thần thoải mái, bình tĩnh chờ kỳ kinh đầu tiên đến một cách thật bình thường. Có điều thuận lợi là những kỳ kinh đầu tiên thường không đau do không có phóng noãn. Những vòng kinh về sau có phóng noãn có thể gây khó chịu hơn nhưng đã được những kỳ kinh không đau trước đó tạo thành phản xạ có điều kiện hành kinh không đau rồi.

Thống kinh thứ phát: chủ yếu là đề phòng viêm nhiễm. Cụ thể, cần thực hiện vệ sinh khi hành kinh, vệ sinh khi quan hệ tình dục, vệ sinh khi mang thai và sạch sẽ vô trùng khi đẻ, sẩy.