Mầm bệnh

Là trực khuẩn thương hàn (S.typhi) và phó thương hàn (S.paratyphi).

Salmonella là trực khuẩn gram âm, không sinh nha bào, ưa khí và kỵ khí tùy ngộ.

Salmonella có sức đề kháng tốt. Trong đất có thể sống được vài tháng, trong nước thường: 2-3 tuần, trong phân: vài tuần.

Trực khuẩn bị tiêu diệt ở 1000C/5 phút. Các chất khử trùng thông thường như Chloramin 3%, Phenol 5%…. diệt được vi khuẩn dễ dàng.

Nguồn bệnh

Duy nhất là người, gồm có:

Bệnh thương hàn, Nguyên nhân, Triệu chứng, Phương pháp điều trị!
Bệnh thương hàn, Nguyên nhân, Triệu chứng, Phương pháp điều trị!

Bệnh nhân:

Bài tiết vi khuẩn theo phân (là chủ yếu), ngoài ra còn theo đường nước tiểu, đờm, chất nôn. Thải qua phân ở tất cả các giai đoạn của bệnh, kể cả giai đoạn ủ bệnh, thải nhiều nhất vào tuần 2-3 của bệnh.

Người mang khuẩn bao gồm:

Người mang khuẩn sau khi khỏi bệnh: bệnh nhân khỏi về lâm sàng nhưng vẫn tiếp tục mang vi khuẩn kéo dài do vi khuẩn cư trú trong túi mật, đường ruột.

Người mang khuẩn không có biểu hiện lâm sàng.

Đường lây

Lây đường tiêu hóa, có 2 cách lây:

Do ăn, uống phải thực phẩm, nước bị ô nhiễm vi khuẩn bởi phân, ruồi nhặng không được nấu chín.

Do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang trùng qua chất thải, chân tay đồ dùng v.v…

Cơ chế cảm thụ và miễn dịch

Mọi lứa tuổi, giới đều có thể mắc

Miễn dịch: Lâu bền sau khi mắc bệnh hoặc tiêm chủng, không có miễn dịch chéo giữa các chủng.

Triệu chứng lâm sàng

Thể thông thường điển hình

Thời kỳ nung bệnh

Trung bình 7 – 15 ngày, thường không có triệu chứng.

Thời kỳ khởi phát

Thường diễn biến từ từ trong tuần 1 với các triệu chứng:

Sốt: Nhiệt độ tăng dần, thường có gai rét lúc đầu, ít khi có rét run, đến ngày thứ 7 của bệnh nhiệt độ tăng cao đến 39-410c.

Nhức đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém, ù tai.

Thời kỳ toàn phát: (kéo dài 2 tuần)

Sốt: Là triệu chứng quan trọng và hằng định nhất. Sốt cao liên tục 39-410C, sốt hình cao nguyên, sốt nóng là chủ yếu.

Nhiễm độc thần kinh: Nhức đầu, mất ngủ, ù tai, nói ngọng, tay run. Nặng hơn bệnh nhân li bì, mê sảng, hôn mê.

Trên da: Xuất hiện các ban dát nhỏ 2-3mm, màu hồng, vị trí mọc thường ở bụng, ngực, mạn sườn. Số lượng ban ít khoảng chục nốt, thường xuất hiện vào những ngày 9-11 của bệnh.

Tiêu hóa:

  • Lưỡi khô, rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi màu trắng hoặc xám.
  • Đi ngoài phân lỏng sệt, màu vàng nâu,thối khắm, khoảng 5-6 lần/ngày.
  • Bụng chướng, đau nhẹ vùng hố chậu phải, óc ách hố chậu phải.
  • Gan, lách to dưới bờ sườn 1-3cm, mật độ mềm.

Tim mạch:

  • Mạch chậm tương đối so với nhiệt độ, gọi là mạch và nhiệt độ phân ly.
  • Tiếng tim mờ, huyết áp thấp.

Thời kỳ lui bệnh: thường 1 tuần

Nhiệt độ dao động rồi xuống từ từ. Bệnh nhân đỡ mệt, ăn ngủ khá hơn, hết rối loạn tiêu hóa.

Xét nghiệm

Công thức máu:

Số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm, bạch cầu đa nhân trung tính giảm bạch cầu ái toan giảm hoặc mất.

Số lượng hồng cầu và tốc độ lắng máu ít thay đổi.

Cấy máu:

Nên lấy máu trước khi dùng kháng sinh và đủ số lượng. Cần làm kháng sinh đồ để theo dõi  tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn thương hàn.

Cấy tủy xương:

Tỷ lệ (+) cao, cần làm khi lâm sàng nghi ngờ thương hàn nhưng cấy máu 2-3 lần âm tính.

Biến chứng

  • Xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột
  • Viêm cơ tim, trụy tim mạch
  • Viêm gan, viêm túi mật…

Chẩn đoán

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng:

Sốt kéo dài mạch nhiệt phân ly, rối loạn tiêu hóa, gan lách to.

Xét nghiệm:

Số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm.

Phân lập vi khuẩn (+) (máu, tủy xương)

Dịch tễ học.

Chẩn đoán phân biệt

  • Nhiễm khuẩn huyết.
  • Sốt rét tiên phát

Điều trị dự phòng

Điều trị đặc hiệu

Kháng sinh: Ciprofloxacin

Điều trị triệu chứng

  • Bù nước điện giải
  • Trợ tim mạch
  • An thần
  • Dinh dưỡng: chế độ ăn lỏng, mềm, đủ chất dinh dưỡng.

Dự phòng

Vệ sinh môi trường, kiểm soát nước, chất thải, cống rãnh, khử trùng nguồn nước.

Cách ly bệnh nhân, xử lý chất thải của bệnh nhân

Điều trị người lành mang trùng

Uống Vacxin thương hàn.