Giác mạc là gì?

Giác mạc là một màng trong suốt và là một trong ba thành phần quang học của mắt (giác mạc, thủy tinh thể, dịch kinh). Giác mạc hình gần tròn, đường kính 10 – 11mm tiếp liền với củng mạc, chiếm 1/5 diện tích ở phần trước của nhãn cầu. Giác mạc không có mạch máu nhưng có nhiều đầu mút thần kinh. Giác mạc được nuôi dưỡng bằng sự thẩm thấu từ vùng ria nước mắt và thủy dịch.

Nguyên nhân bệnh viêm loét giác mạc

Chấn thương

Trong chiến tranh: do các mảnh hỏa khí nhỏ, chất độc hóa học.

Thời bình: phoi tiện, bụi đá, lá lúa, hạt thóc, bỏng.

Sang chấn giác mạc do lông xiêu, lông quặm.

Vi khuẩn

Thường do bội nhiễm vi khuẩn sau một sang chấn: tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh, lậu cầu… là những loại vi khuẩn hay gặp.

Bệnh viêm loét giác mạc
Bệnh viêm loét giác mạc

Các nguyên nhân khác

Vi rút Herpes.

Nấm: thường ít gặp nhưng điều trị khó, dễ biến chứng nguy hiểm.

Có thể gặp loét giác mạc do hở mi do sẹo, liệt thần kinh, loét do suy dinh dưỡng.

Triệu chứng bệnh viêm loét giác mạc

Triệu chứng cơ năng

Đau nhức: bệnh nhân cảm thấy đau nhức âm ỉ, có lúc đau trội lên, đau có thể lan rộng ra xung quanh hố mắt và lên đầu; đau tăng khi có các tác động như ánh sáng, va chạm.

Chói mắt, sợ ánh sáng nhiều, bệnh nhân luôn nhắm nghiền mắt.

Chảy nước mắt nhiều, nếu tự mở mắt thì nước mắt chảy ràn rụa.

Dử mắt (tiết tố) ít hoặc không có

Thị lực giảm.

Triệu chứng thực thể

Mi co quắp rất khó mở, mắt sưng nề mọng.

Kết mạc: cương tụ rìa đậm, càng ra vùng chu biên càng nhạt dần, kết mạc phù nề nặng.

Giác mạc có ổ loét bắt màu thuốc nhuộm (Fluorescein, bleuethylen) to hoặc nhỏ, bờ nham nhở (có thể nhỏ li ti, có thể to chiếm gần hết diện giác mạc).

Tiền phòng có thể có mủ tạo thành ngân ngang phí dưới thấp.

Mống mắt thể mi có thể viêm phản ứng gây giảm phản xạ ánh sáng, co đồng tử.

Thị lực giảm nhiều hay ít phụ thuộc vào 3 yếu tố vị trí, kích thước, độ sâu của vết loét.

Di chứng bệnh viêm loét giác mạc

Khỏi, thành sẹo: do điều trị và sức chống đỡ của bệnh nhân, nếu sẹo dày ảnh hưởng tới thị lực.

Loét sâu, hoại tử rộng đe dọa thủng hoặc thủng dẫn đến viêm mủ nội nhãn.

Viêm mủ nội nhãn thường tiên lượng rất xấu có khi phải bỏ mắt.

Phương hướng điều trị bệnh viêm loét giác mạc

Viêm loét giác mạc cần điều trị tại tuyến bệnh viện có chuyên khoa mắt.

Điều trị theo nguyên nhân

Viêm loét giác mạc do vi khuẩn

Dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Đường dùng toàn thân, kết hợp với tại chỗ.

Do vi rút

Idoxuridine dung dịch 0,1%, mỡ 0,5%.

Viroptic dung dịch 1%.

Do vi rút Herpes dùng:

Zovirax x 200mg x 4 – 5 viên, uống chia 4 – 5 lần/ngày x 5 – 7 ngày.

Mỡ Zovirax x 3%; tra mắt.

Do nấm

Sporan 100mg x 2 viên, uống 1 lần/ngày x 21 ngày.

Natacyn 5%; tra mắt cách 1 giờ 1 lần.

Dung dịch lugol 5%; chấm ổ loét hàng ngày.

Khi chưa biết nguyên nhân cần dùng kháng sinh toàn thân và tại chỗ:

+ Toàn thân:

  • Cefotaxim 1g x 2 lọ
  • Gentamycin x 2 ống/ ngày

+ Tại chỗ:

Tiêm dưới kết mạc: 100.000 đến 200.000 ĐV penixilin/ ngày, hoặc 40mg gentamycin/ngày.

Kết hợp tra mắt dung dịch kháng sinh. Nên kết hợp hai, ba loại thuốc và nhỏ theo vòng tròn, mỗi loại cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Mỡ kháng sinh cần tra mắt trước khi đi ngủ.

Chống hoại tử

Tiêm huyết thanh tự thân hoặc máu tự thân pha lẫn dung dịch kháng sinh tiêm dưới kết mạc hàng ngày hoặc cách ngày.

EDTA (etyl – diamin – tetraacetat) 3% tra mắt.

Chống dính và giảm đau

Atropin 1% tra mắt 1 lần/ ngày.

Chống phù nề: dazen, ỏ-chymotrypsin.

Paracetamol 0,5g x 2 viên/uống.

Tăng cường dinh dưỡng: vitamin A, B1, C

Loại trừ các yếu tố sang chấn

Giải quyết lông quặm, lông xiêu, sạn vôi.

Tạo hình điều trị hở mi.