Cây Lá Lốt là gì?

Lá lốt thuộc dạng cây thân thảo, sống được lâu năm, được sử dụng làm thực phẩm và ngoài ra được sử dụng làm một trong những vị thuốc quý trong đông y. Thân cây thường mọc bò, có chiều cao trung bình từ 30 đến 40cm hoặc cũng có thể cao hơn. Cây khi còn non sẽ mọc thẳng, khi lớn lên thân dài, mềm yếu không thể mọc thẳng được mà nằm trườn. Thân cây thường phồng lên ở các mấu và mặt ngoài của thân có nhiều đường rãnh dọc.

Lá đơn mọc cách, phiến lá gồm 2 dạng, phía dưới rộng hình bầu dục, chiều dài từ 2 – 5 cm dài, mặt trên mịn láng, mặt dưới màu xanh lục nhạt có lông mịn trên gân, phiến lá không đối xứng 10-12 cm dài, 8-11 cm rộng, mép lá nguyên, gân lá hình chân vịt với 5 gân gốc, các gân đều cong hướng về ngọn lá.

Cuống lá 2-5 cm, hình trụ, lõm ở mặt trên, ở gốc mở rộng, lá bắc rụng sớm, hình tam giác, màu xanh lục. Có 2 dạng lá là một phiến mỏng bao chồi hay là 2 phiến mỏng dài 1-1,5 cm, dính 2 bên đáy cuống rụng sớm để lại một vết sẹo. Cụm hoa, gié hoa cái mọc đối diện với lá, hình trụ, màu trắng, dài 10-12 mm, 3 mm đường kính. Cuống cụm hoa màu xanh lục, hình trụ, dài 10-12 mm, 1-2 mm đường kính, có lông mịn màu trắng. Hoa rất nhỏ, hoa trần, đơn tính. Trái, quả mộng, chứa một hạt.

Cây lá lốt có tên khoa học là Piper lolot L thuộc họ Hồ tiêu – Piperaceae và được biết đến các tên khác như: Tất bát, nốt,….

Phân bố:

Cây đặc hữu của Đông Dương và thường mọc hoang, ưu sống ở những nơi ẩm ướt, mọc nhiều ở dọc bờ nước để lấy lá làm gia vị hoặc thuốc. Ở Việt Nam loại cây này mọc nhiều ở khắp nước ta, phân bố từ Bắc tới Nam.

Lá lốt, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh?
Lá lốt, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh?

Bộ phận dùng làm thuốc:

Phần được sử dụng là toàn bộ các bộ phận của cây lá lốt như rễ, lá, thân, cành. Sau khi thu hái đem rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi nắng hay sấy khô dùng dần.

Thành phần hóa học có trong lá lốt:

Theo một số nghiên cứu cho thấy, thành phần hóa học có trong lá lốt bao gồm các thành phần chính như: Lá và thân chứa các ancaloit và tinh dầu, có thành phần chủ yếu là beta-caryophylen; rễ chứa tinh dầu có thành phần chính là benzylaxetat.

Những nghiên cứu khoa học về cây lá lốt:

Theo nghiên cứu của Trường đại học Dược Hà Nội: thành phần hoá học của Lá lốt chủ yếu là tinh dầu (tỷ lệ 0,57%), piperin, piperidin. Kết quả thực nghiệm trên súc vật cho thấy nước ép Lá lốt, cao Lá lốt tươi và cao Lá lốt khô đều có tác dụng kháng sinh, chống viêm rõ rệt trên súc vật gây viêm thực nghiệm.

Theo nghiên cứu về kháng sinh thảo mộc của Viện y học dân tộc: Lá lốt (giã dập) có tác dụng mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Staphylococcus, Streptococcus, Salmonella typhi, Shigella flexneri, sonnei, Shiga, B. subtilis, Es. coli, C. diphteriae, D. pneumoniae, H. pertusis.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây lá và thân cây lốt chứa các chất ancaloit, flavonoid và tinh dầu với thành phần chủ yếu là beta-caryophylen; rễ cũng có chứa tinh dầu nhưng thành phần chính là benzylaxetat. Lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau.

Theo đông y:

Lá Lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, tác dụng giúp ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống, hỗ trợ trị phong hàn thấp, tay chân lạnh, tê bại, hỗ trợ trị rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, sình bụng.

Công dụng của lá lốt:

  • Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống và còn giúp hỗ trợ điều trị bệnh gout
  • Hỗ trợ trị phong hàn thấp, tay chân lanh, tê bại.
  • Hỗ trợ trị rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, sình bụng.
  • Hỗ trợ điều trị đau bụng tiêu chảy.
  • Hỗ trợ trị thận và bàng quang bị lạnh.
  • Trị đau răng, đau đầu, nước mũi hôi.
  • Hỗ trợ điều trị tê thấp, trị đổ mồ hôi tay, chân.
  • Giúp giải độc rượu và chữa say nắng.
  • Hỗ trợ chữa các chứng đau nhức xương khớp, đau vùng ngực.

Một số bài thuốc từ cây lá lốt:

Chữa đau lưng sưng khớp gối, bàn chân tê buốt:

Rễ lá lốt tươi 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây vòi voi 50g, rễ cỏ xước 50g. Sao vàng, sắc; chia uống 3 lần trong ngày.

Chữa phong thấp, đau nhức xương:

Rễ lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc uống.

Chữa phù thũng:

Lá lốt 12g, rễ cà gai leo 12g, rễ mỏ quạ 12g, rễ gai tầm xoọng 12g, lá đa lông 12g, mã đề 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân:

Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày.

Chữa Tê thấp Đau lưng, đau gấp ngang lưng, sưng đầu gối, bàn chân tê buốt:

Sử dụng Lá lốt và Ngải cứu, liều lượng bằng nhau, giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng đắp, chờm. Ðể uống, dùng 8-12g dây rễ lá lốt, phối hợp với Dây đau xương, rễ Cỏ xước, củ Cốt khí, mỗi vị 8g sắc uống.

Giải độc say nấm, rắn cắn:

Sử dụng Lá lốt tươi giã nát, phối hợp với lá Khế, lá Ðậu ván trắng mỗi vị 50g, thêm nước, lọc nước cốt uống.

Chữa tay chân tê nhứa mỏi do phong thấp:

Sử dụng Lá lốt 100g sắc nước uống thường xuyên. Chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy không đau bụng: Dùng một nắm lá lốt từ 50-100g sắc nước uống ngày 3 lần.

Lưu ý!

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Để biết thêm thông tin cụ thể vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.