Glocom cấp là gì?

Glocom cấp (còn gọi là glocom góc đóng, glocom cương tụ, thiên đầu thống) là một cấp cứu nhãn khoa, nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng gây mù lòa.

Bệnh thường xuất hiện ban đầu ở một mắt, sau đó sẽ bị cả hai mắt.

Thường gặp ở người lớn tuổi, có trạng thái thần kinh nghệ sỹ.

Bệnh có tính chất gia đình rõ rệt.

Nguyên nhân bệnh Glocom cấp

Nhãn áp và vấn đề lưu thông thủy dịch

Thủy dịch được sản xuất từ đám rối mạch của thể mi, tới hậu phòng rồi qua lỗ đồng tử ra tiền phòng, từ tiền phòng thủy dịch qua vùng bè (một cấu trúc đặc biệt ở góc tiền phòng), vào ống Schlemm, rồi qua các tĩnh mạch nước để vào hệ tuần hoàn chung.

Thủy dịch có chức năng đảm bảo một phần dinh dưỡng cho nhãn cầu và là yếu tố cơ bản nhất cấu thành nhãn áp.

(Nhãn áp bình thường từ 15 – 25mmHg, trung bình là 20mmHg)

Bệnh Glocom cấp!
Bệnh Glocom cấp!

Cơ chế bệnh sinh

Mắt bị glocom cấp thường có cấu trúc giải phẫu đặc biệt: góc tiền phòng hẹp làm cho tiền phòng nông, mống mắt luôn luôn vồng lên áp về phía giác mạc.

Góc tiền phòng có thể bị đóng lại do hai cơ chế:

+ Nghẽn đồng tử: thủy dịch không thể lưu thông từ hậu phòng ra tiền phòng vì bờ đồng tử dính vào thủy tinh thể, hoặc mống mắt áp sát quá vào thủy tinh thể, thủy dịch bị tích tụ lại ở sau mống mắt đẩy vồng mống mắt ra trước.

.+ Nghẽn trước vùng bè: chân mống mắt bị dính vào mặt sau giác mạc ngay trước góc tiền phòng, như vậy góc tiền phòng bị đóng lại ở ngay trước vùng bè và ống Schlemm.

Góc tiền phòng bị đóng làm cho thủy dịch không thoát được ra ngoài dẫn tới tăng nhãn áp.

Triệu chứng bệnh Glocom cấp

Bệnh hay xuất hiện về đêm, đột ngột và dữ dội.

Triệu chứng cơ năng

Đau nhức: bệnh nhân thấy nhức vùng quanh hốc mắt, lan lên nửa đầu cùng bên; có thể đau nhức dữ dội vật vã.

Nhìn mờ: thị lực giảm nhiều so với trước khi bị bệnh, nhìn mờ như có màn sương trước mắt.

Nhìn vào nguồn sáng thấy quầng xanh, quầng đỏ.

Có buồn nôn và nôn.

Triệu chứng thực thể

Mi: co quắp, hơi phù nề, khó mở mắt.

Giác mạc: mờ đục, có thể xuất hiện những bọng biểu mô (do nuôi dưỡng giảm và tổn thương tế bào nội mô).

Kết mạc cương tụ rìa đậm, có thể phù nề kết mạc.

Góc tiền phòng rất nông do mống mắt áp sát vào giác mạc.

Đồng tử giãn nửa vời và mất phản xạ với ánh sáng (do nhãn áp tăng làm liệt các dây thần kinh mi ngắn chi phối cơ vòng đồng tử)

Sờ nhãn cầu thấy căng cứng như hòn bi. Đo nhãn áp tăng > 30 mmHg có thể tới 40mmHg hoặc hơn.

Điều trị bệnh Glocom cấp

Dùng thuốc

Glocom cấp là bệnh cần mổ mới khỏi được nhưng việc dùng thuốc cũng rất quan trọng. Thuốc có tác dụng nhanh chóng hạ nhãn áp bảo tồn chức năng thị giác và tạo thuận lợi cho phẫu thuật.

Giảm sản xuất thủy dịch:

Fonurit 0,25g x 2 viên/uống 1 lần/ngày, tối đa 3 ngày (10mg/kg thể trọng).

Hoặc tiêm 500mg x 1 ống/ tĩnh mạch

(Thuốc có tác dụng ức chế men sản xuất thủy dịch anhydraza cacbonic ở thể mi).

Giảm trở lưu thủy dịch:

Pilocacpin 1% nhỏ 15 – 30 phút 1 lần cho đến khi nhãn áp về mức bình thường. Duy trì 3 – 4 lần/ngày.

(Thuốc gây co đồng tử, co cơ thể mi dẫn đến mở vùng bé).

Giảm phù nề tổ chức nội nhãn: manitol 20% x 500ml/truyền tĩnh mạch.

An thần: seduxen 5mg hoặc rotunda 30mg x 2v/uống.

Phẫu thuật bệnh Glocom cấp

Ở mắt bệnh: cắt bè củng mạc tạo lỗ rò cho thủy dịch lưu thông

Ở mắt chưa lên cơn (mắt tiềm tàng bệnh): cắt mống mắt chu biên tạo thêm một đường lưu thông thủy dịch từ hậu phòng ra tiền phòng. Động tác này có giá trị dự phòng cho mắt không bị lên cơn Glocom cấp.