Viêm da mủ là gì?

Trên da có nhiều tạp khuẩn, nhiều nhất là tụ cầu và liên cầu tập trung ở những vùng mồ hôi ra nhiều, lỗ chân lông nhiều. Khi gặp điều kiện thuận lợi, sức đề kháng cơ thể yếu và sức đề kháng ngoài da giảm thì các vi khuẩn tăng sinh, gây nên những bệnh ngoài da gọi là bệnh viêm da mủ.

Bệnh viêm da mủ thường gặp 2 loại:

  • Viêm da mủ do tụ cầu.
  • Viêm da mủ do liên cầu.
  • Đôi khi hai loại vi khuẩn này phối hợp với nhau gây bệnh.

Các bệnh viêm da mủ do tụ cầu?

Viêm nang lông nông

Là viêm nang lông ở nông quanh các lỗ chân lông. Đầu tiên quanh chân lông hơi sưng đỏ và đau, sau xuất hiện những sần viêm kích thước 1 – 2mm, sau vài ngày khô đi để lại vẩy tiết màu nâu sẫm, sau đó bong vẩy, không để lại sẹo.

Điều trị: chấm cồn iod 1 – 3% hoặc bôi mỡ kháng sinh.

Bệnh viêm da mủ!
Bệnh viêm da mủ!

Viêm nang lông sâu

Do tụ cầu vàng có độc lực cao.

Bắt đầu chỉ là những mụn nhỏ, sẩn viêm, sẩn mủ quanh nang lông, nhiễm khuẩn ăn sâu và lan rộng ra xung quanh làm tổ chức quanh lông nhiễm cộm.

Viêm lan rộng làm mủ rải rác hay cụm lại thành đám đỏ, cứng, cộm gồ ghề sau mềm nặn ra mủ trắng.

Vị trí: thường gặp ở trán, gáy, cằm, lưng, mi mắt (gọi là chắp) có khi ở cằm, ria mép.

Điều trị:

  • Tại chỗ: chấm cồn iod 1 – 3%, bôi mỡ kháng sinh: cloroxit, gentamycin.
  • Toàn thân: dùng kháng sinh uống hoặc tiêm Ampixilin.
  • Rạch tháo mủ (nếu có).
  • Dặn bệnh nhân tránh gãi, cọ mạnh.

Nhọt

Nhọt là trạng thái viêm toàn bộ nang lông, toàn bộ tổ chức xung quanh gây hoại tử cả một vùng. Tổ chức hoại tử gọi là ngòi chứa các tế bào và các bạch cầu Lympho.

Vị trí: gáy, lưng, mông.

Tiến triển: ban đầu chân lông sưng, đỏ, đau 3 – 4 ngày có phản ứng tế bào đỏ, đầu rắn, mưng mủ. Ngày 8 – 9 vỡ mủ nặn ra ngòi, đau dịu đi rồi lành sẹo.

Nhọt lớn có thể kèm theo triệu chứng toàn thân sốt nhẹ, nổi hạch vùng tương ứng, xét nghiệm máu bạch cầu tăng.

Nhọt ở quanh miệng gọi là đinh râu rất nguy hiểm, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, tắc tĩnh mạch, không nên nặn.

Nhọt cụm

Nhiều nhọt tập trung thành đám.

Thường gặp ở người có suy giảm miễn dịch: tiểu đường, hen phế quản.

Điều trị:

  • Chích tháo mủ
  • Dùng kháng sinh toàn thân.

Các bệnh viêm da mủ do liên cầu?

Tổn thương nông, chỉ khu trú ở lớp gai, thường gây viêm đường bạch huyết, viêm hạch tương ứng.

Chốc (bỏng dạ)

Bắt đầu bằng một phỏng nước nhỏ hình tròn, xung quanh có quầng viêm đỏ, chứa dịch trong, chỉ sau 1 đến vài giờ thành  mủ đục, bọng vỡ mủ đóng vẩy tiết vàng kiểu mật ong.

Toàn thân: sốt, nổi hạch, chán ăn, dễ biến chứng viêm cầu thận cấp.

Vị trí thường gặp: đầu, cổ, mặt, các chi từ đó lan ra chỗ khác “dễ lây (hay gặp ở trẻ em).

Điều trị:

Chốc có nhiều vẩy: đắp gạc thuốc tím 1/4000, bôi mỡ salicylic 2 – 5% làm bong vẩy.

Chốc có phỏng mủ chưa vỡ: dùng kim vô khuẩn chọc cho vỡ mủ thấm vào bông không để lây lan chỗ khác, chấm dung dịch xanh metylen 1%, dung dịch milian, bạc nitrat 0,25%, mỡ kháng sinh.

Dùng một đợt kháng sinh. Trẻ em dùng erythromycin, không nên dùng tetraxyclin.

Có thể tắm cho bé bằng dung dịch sát trùng: dung dịch thuốc tím pha loãng 1/4000, dung dịch becberin 1% hoặc nước chè tươi.

Chốc loét (Ecthyma)

Tổn thương hoại từ sâu đến lớp trung bì, hạ bì.

Hay gặp ở những người suy dinh dưỡng, vệ sinh kém, hoặc bệnh đái tháo đường.

Tổn thương bắt đầu bằng một phỏng mủ, sau đó hoại tử lan sâu xuống trung bì, bề mặt phủ vẩy tiết nâu đen, có khi vẩy đùn lên cao, bóc lớp vẩy đi là một đám loét sâu, thành đám loét đứng, nền vết loét tím tái.

Tiến triển dai dẳng, rất lâu liền sẹo.

Điều trị:

  • Rửa vết loét bằng dung dịch thuốc tím 1/4000.
  • Chấm dung dịch nitrat bạc 0,25%.
  • Bôi mỡ kháng sinh.
  • Dùng kháng sinh toàn thân từng đợt, phối hợp kháng sinh.
  • Chiếu tia cực tím kích thích lên da non.
  • Nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng vitamin các loại.

Chốc mép

Thường gặp ở trẻ, 2 mép bị nứt, rỉ nước, đóng vẩy dễ chảy máu, đau, xót, kéo dài hàng tháng.

Điều trị:

  • Rửa tại chỗ bằng dung dịch thuốc tím 1/4000, rivanol 1‰.
  • Chấm dung dịch nitrat bạc 0,25%.
  • Bôi mỡ kháng sinh.

Loét kẽ (hăm)

Hay gặp ở trẻ mập, bị đỏ trợt ở các kẽ: nếp cổ, bẹn, mông, sau tai do cọ sát dần dần thành loét chảy nước, chảy mủ (gọi là hăm).

Điều trị:

Chấm dung dịch nitrat bạc 0,25%, milian, xanh metylen, không nên dùng thuốc mỡ.

Vệ sinh sạch sẽ, giữ cho kẽ luôn khô.

Dự phòng bệnh viêm da mủ?

Giữ gìn vệ sinh da, thân thể tốt.

Tăng cường bồi dưỡng nâng cao sức đề kháng cơ thể.