Bệnh điếc là gì?

Điếc là nghe kém ở các mức độ khác nhau gây khó khăn trong giao tiếp xã hội.

Người ta xác định điếc bằng hai cách:

+ Đo điếc đơn giản bằng tiếng nói hoặc bộ âm mẫu.

+ Đo điếc hoàn chỉnh bằng máy đo thính lực và lập thính lực đồ. Mức suy giảm của sức nghe được tính bằng Decibel (dB): là cường độ nhỏ nhất của một âm mà tai bình thường có thể phân biệt được.

Điếc là một trong 5 triệu chứng chủ quan chính về tai (đau tai, chảy tai, ù tai, điếc, chóng mặt).

Phân loại bệnh điếc

Điếc được chia làm 3 loại.

Điếc truyền âm

Gây ra do tổn thương ở bộ phận truyền âm của bộ máy thính giác gồm tai ngoài và tai giữa.

Loại điếc này sức nghe qua đường không khí bị giảm, qua đường xương bình thường, nhận biết âm sắc bình thường.

Bệnh điếc
Bệnh điếc!

Điếc tiếp âm

Do những tổn thương ở bộ phận tiếp âm tai trong và ở thần kinh thính giác.

Loại điếc này sức nghe bị suy giảm cả qua đường xương và đường không khí. Nhận biết âm sắc bị méo mó biến dạng.

Điếc hỗn hợp

Gây ra do tổn thương vừa ở bộ phận truyền âm vừa ở bộ phận tiếp âm, nên mang tính chất của cả hai kiểu điếc trên.

Điếc hỗn hợp thiên về truyền âm hoặc tiếp âm tùy thuộc bộ phận nào tổn thương nặng hơn.

Nguyên nhân bệnh điếc

Điếc truyền âm

Viêm ống tai gây viêm tấy và phù nề ống tai ngoài.

Nút dày, dị vật ống tai.

Màng nhĩ thủng, sẹo co két, xơ hóa.

Chuỗi xương con bị viêm dính khớp, hoại tử.

Viêm tai giưa cấp, mãnh tính.

Vòi tai bị chèn ép, viêm V.A, u vòm họng.

Điếc tiếp âm

Điếc do tuổi già là sự thoái hóa dần theo tuổi tác của cơ quan Corti, là trường hợp điếc sinh lý duy nhất.

Điếc do nhiễm độc cơ quan Corti và thần kinh số VIII bởi các chất: quinin, streptomycin, oxytcacbon, asen, nicotin…

Điếc do nhiễm khuẩn hoặc virut như: giang mai, cúm, sởi, quai bị

Điếc do nghề nghiệp tiếp xúc với tiếng ồn lớn liên tục.

Điếc do tổn thương thần kinh trung ương: u não, áp xe não…

Xếp loại bệnh điếc

Mức độ điếc thường được xếp thành 4 loại sau:

Nếu mức suy giảm của sức nghe kém đi từ 20 – 40dB so với người bình thường gọi là điếc mức 1 (nhẹ). Người điếc chỉ gặp khó khăn trong giao tiếp khi phải nghe tiếng nói nhỏ hay nói thầm.

Nếu mức suy giảm của sức nghe kém đi từ 40 – 70 dB gọi là điếc mức 2 (điếc vừa). Người điếc thường xuyên gặp khó khăn trong giao tiếp, có thể phải đeo máy trợ thính.

Nếu mức suy giảm của sức nghe kém đi từ 70 – 90 dB gọi là điếc mức 3 (điếc nặng). Người điếc chỉ còn nghe được tiếng nói khi hét sát tai. Nếu trẻ em dưới 3 tuổi sẽ bị câm, 4 tuổi trở lên sẽ bị đần độn.

Nếu mức suy giảm đó kém đi > 90dB thì gọi là điếc mức 4 (điếc nặng). Người điếc hầu như không nghe thấy gì, trẻ em dưới 3 tuổi chắc chắn bị câm.

Điều trị điếc ngày nay?

Điều trị điếc truyền âm dễ hơn và tiên lượng tốt hơn nhiều so với điếc tiếp âm.

Điều trị điếc truyền âm theo nguyên nhân gây bệnh như điều trị viêm ống tai, lấy dị vật ống tai, vá nhĩ, chỉnh hình chuỗi xương con, điều trị viêm tai giữa cấp, mãn tính.

Điều trị điếc tiếp âm còn gặp nhiều khó khăn ít đem lại kết quả (phẫu thuật tai trong, thần kinh số VIII).