Bạch chỉ là gì?

Bạch chỉ thuộc dạng cây thân thảo, sống được lâu năm và là một trong những vị thuốc quý sử dụng nhiều tron đông y. Thân cây có chiều cao trung bình từ 1 đến 1,5m, bên trong thân rỗng, đường kính có thể đến 2-3cm. Mặt ngoài mầu tím hồng, phía dưới nhẵn, phía trên gần cụm hoa có lông ngắn. Rễ phình thành củ dài, mọc thẳng, đôi khi phân nhánh.

Lá tọt có cuống dài, phát triển thành bẹ rộng, ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2-3 lần, hình lông chim. Thùy hình trứng dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa. 2 mặt lá không lông trừ đường gân ở mặt trên lá có lông tơ. Cụm hoa là 1 tán kép, mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, có cuống chung dài 4-8cm, cuống tán dài 1cm. Hoa mầu trắng, mẫu 5. Quả bế đôi dẹt, hình bầu dục hoặc hơi tròn, dài khoảng 6mm. Rễ, thân, lá, có tinh dầu thơm. Mùa hoa quả: tháng 5-7

Bạch chỉ có tên khoa học là Angelica Dahurica Benth. Et Hook. F thuộc họ Apiaceae và được biết với các tên khác như: Bách chiểu, Chỉ hương, Cửu lý trúc căn, Đỗ nhược, Hòe hoàn, Lan hòe, Linh chỉ, Ly hiêu, Phương hương,….

Phân bố:

Thuộc dạng cây mọc hoang, chủ yếu thích hợp mọc ở những  vùng miền núi cao lạnh như Sapa, Tam đảo,….

Bạch chỉ, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh?
Bạch chỉ, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh?

Bộ phận dùng:

Phần được sử dụng làm thuốc là phần thân rễ. Khi lá úa vàng, đào lấy rễ, cắt bỏ thân và rễ.

Thành phần hóa học của bạch chỉ:

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra, thành phần hóa học có trong bạch chỉ bao gồm những chất chính như: Oxypeucedanin, Imperatorin, Isoimperatorin, Phellopterin, Byak-Angelixin, Izobyakangelicol, Anhydrobyakangelixin, Angelicol, Xanthotoxin, Neobyakangelicol, Marmesin, Nodakenetin, Scopoletin.

 Những nghiên cứu khoa học về công dụng của bạch chỉ:

Một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất bạch chỉ giúp làm giảm đau đầu do cảm cúm, đau đầu sau đẻ, đau lợi răng, đau thần kinh mặt.

Nghiên cứu cho thấy với liều nhỏ angelicotoxin có tác dụng hưng phấn trung khu vận đông huyết quản, trung khu hô hấp, dây thần kinh phế vị làm cho huyết áp tăng, mạch chậm, hơi thở kéo dài, chảy dãi và nôn mửa. Với liều lớn dẫn tới co giật và tê liệt toàn thân.

Chiết xuất bạch chỉ có tác dụng giúp ức chế trực khuẩn lỵ, thương hàn, vi khuẩn Gram dương, đối với vi khuẩn lao ở người có tác dụng ức chế rõ rệt.

Theo đông y:

Bạch chỉ có vị cay, tính ôn, quy vào kinh phế, vị, đại trường. Tác dụng giúp tán hàn, phát biểu, khứ phong, thẩm thấp, hoạt huyết, bài nùng, sinh cơ, chỉ thống, giải độc. Hỗ trợ chữa sưng vú, tràng nhạc, ghẻ lở, đỡ đau hút mủ.

Công dụng của bạch chỉ:

  • Giúp giải độc, hoạt huyết, chỉ thống, thẩm thấp, tán hàn.
  • Hỗ trợ giúp giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm, chữa cảm mạo, viêm xoang, viêm mũi, mụn nhọt sưng đau, viêm tuyến vú.
  • Hỗ trợ điều trị trĩ do phong độc và táo bón do phong độc.
  • Hỗ trợ giúp ức chế trực khuẩn lỵ, thương hàn, vi khuẩn gram dương, đối với vi khuẩn lao ở người có tác dụng ức chế rõ rệt.
  • Hỗ trợ giúp trị đại tiện ra máu, chảy máu cam.
  • Hỗ trợ trị mồ hoi, chữa nhức đầu, cảm mạo, răng đau.

Một số bài thuốc từ bạch chỉ:

Trị đầu phong:

Bạch chỉ, Bạc hà, Mang tiêu, Thạch cao, Uất kim. Tán bột, mỗi lần dùng 1 ít, thổi vào mũi (Bạch Chỉ Tán – Lan Thất Bí Tàng).

Trị đầu đau, mắt đau:

Bạch chỉ 16g, Ô đầu (sống) 4g. Tán bột, mỗi lần dùng 1 ít uống với nước trà (Bạch Chỉ Tán – Chu Thị Tập Nghiệm Phương).

Trị các chứng phong, chóng mặt, sản hậu sinh xong bị cảm do phong tà, tinh thần không tỉnh:

Hương bạch chỉ (dùng nước nấu sôi 4-5 dạo), tán bột, trộn mật làm hoàn, to bằng viên đạn. Mỗi lần uống 1 hoàn (Đô Lương Hoàn – Bách Nhất Tuyển Phương).

Trị chứng trường phong:

Hương bạch chỉ, tán bột, uống với nước cơm (Bách Nhất Tuyển Phương).

Trị nửa đầu đau:

Bạch chỉ, Tế tân, Thạch cao, Nhũ hương, Một dược (bỏ dầu), lượng bằng nhau. Tán nhuyễn, thổi vào mũi. Đau bên trái thổi bên phải và ngược lại (Bạch Chỉ Tế Tân Suy Tỵ Tán – Chủng Phúc Đường Công Tuyển Lương Phương).

Trị mi mắt đau do phong, nhiệt hoặc đờm:

Bạch chỉ, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước trà (Đan Khê Tâm Pháp).

Trị mũi chảy nước trong:

Bạch chỉ, tán bột. Dùng Hành gĩa nát, trộn thuốc làm hoàn 4g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8-12g với nước trà nóng (Bạch Chỉ Tán – Chứng Trị Chuẩn Thằng).

Trị xoang mũi: Bạch chỉ, Phòng phong, Tân di mỗi thứ 3,2g, Thương nhĩ tử 4,8g, Xuyên khung 2g, Tế tân 2,8g, Cam thảo 1,2g, hòa với nước bôi chung quanh rốn. Kiêng thịt bò (Dương Y Đại Toàn).

Trị thương hàn cảm cúm: Bạch chỉ 40g, Cam thảo (sống) 20g, Gừng 3 lát, Hành 3 củ, Táo 1 trái, Đậu xị 50 hột, nước 2 chén, sắc uống cho ra mồ hôi (Vệ Sinh Gia Bảo Phương).

Trị trẻ nhỏ bị sốt: Bạch chỉ, nấu lấy nước tắm cho ra mồ hôi (Tử Mẫu Bí Lục Phương).

Trị bạch đới, ruột có mủ máu, tiểu đục, bụng và rốn lạnh đau:

Bạch chỉ 40g, Đơn diệp hồng la quỳ căn 80g, Thược dược căn, Bạch phàn, mỗi thứ 20g. Tán bột. Trộn với sáp làm hoàn to bằng hạt Ngô đồng. Uống mỗi lần 10-15 hoàn với nước cơm, lúc đói (Bản Thảo Hối Nghĩa).

Lưu ý:

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Để biết thêm thông tin cụ thể vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Nhức đầu do huyết hư, hỏa vượng, đinh nhọt hoặc mụn nhọt chưa vỡ miệng, người âm hư hỏa uất: không dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển). Nôn mửa do hỏa: không dùng. Lậu hạ, xích bạch đới, âm hư hỏa kết, huyết nhiệt: không dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).