Trần bì là gì?

Trần bì được biết đến là Vỏ của quả quýt và được dùng làm một trong những bài thuốc quý trong đông Y. Cây quýt thuộc cây ăn quả, sống được lâu năm, cây nhỏ cao chừng 1-2m hoặc cao hơn tùy cây và trên thân cây có những chiếc gai rất sắc nhọn. Lá của cây quýt mọc so le nhau, mép lá có hình răng cưa. Lá cây có hình bầu dục thuôn về 2 phía đầu, có màu xanh lục và khi vò ra có mùi thơm rất đăc biệt. Hoa của cây quýt có màu trắng, mọc đơn độc nhau ở từng kẽ lá. Quả có hình tròn, hơi dẹt, có đường kích chừng 3-5cm tùy quả. Khi quả xanh có màu xanh, khi chín có màu vàng cam hay vàng đỏ rất bắt mắt. Vỏ quả quýt mỏng, nhăn nhụi hoặc có quả hơi sần sùi, dễ bóc vỏ. Quả chín có mùi thơm nhẹ, ăn có vị thanh ngọt và nhiều hạt.

Trần bì có tên khoa học là Citrus deliciosa Tenore thuộc họ Cam (Rutaceae) và được biết đến những cái tên khác như quất bì, quảng trần bì, tần hội bì, vỏ quýt,….

Phân bố:

Cây quýt được trồng ở khắp các tỉnh Miền Bắc và Miền Nam nước ta. Nhưng trội hơn hẳn vẫn là ở các tỉnh như Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Cao Lạng. Riêng loại quýt hương cần được trồng nhiều nhất ở Thừa Thiên – Huế.

Trần bì, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh!
Trần bì, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh!

Bộ phận được dùng làm thuốc:

Như đã nói ở trên thì Trần bì chính là vỏ của quả quýt, vì vậy bột phận được dùng làm thuốc chính là phần vỏ của quả quýt này. Phần vỏ này có chứa nhiều dược chất chữa bệnh nhất, sau khi quả quýt chín, người ta bóc lấy vỏ đem phơi khô.

Thành phần hóa học:

Theo những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thành phần chủ yếu chứa trong trần bì là tinh dầu, ngoài ra còn những thành phần chính khác như: Limonene, b-Myrcene, Piene, a-Terpinene, a-Thujene, Sabinene, Octanal, a-Phellandrene, p-Cymene, a-Ocimene, g-Terpinene, Terpinolene, Linalool, 3,7-Dimenthyl-7-Octenal, 4-Terpineol, a-Terpineol, Decanal, Citronellol, 4-1, 1-Dimenthylrthyl-Benzenemethanol, Perillaldehyde, Carvacrol, a-Farnesene, Benzyl alcohol, Nerol, Octanol, Thymol, Citronella, Sabinene hydrate.

Những nghiên cứu khoa học về Trần Bì:

Theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh và cộng sự Trần bì có tác dụng trị ho có đờm trên mô hình thực nghiệm với chuột và mèo, ngoài ra Trần bì còn có tác dụng trị hen suyễn khi phối hợp với một số vị thuốc khác.

Theo sách Trung Dược Học Trần bì có tác dụng kích thích tiêu hóa, hóa đờm, giảm hưng phấn tim, ức chế một số loại vi khuẩn, ức chế co thắt cơ tử cung nên được dùng để chữa các chứng đầy bụng, khó tiêu, ho có nhiều đờm, cao huyết áp.

Theo Wang F và cộng sự cho biết Trần bì sau khi để lâu năm trên bề mặt có một số loại nấm phát triển trên Trần bì, trong đó chủ yếu là nhóm có lợi cho đường tiêu hóa như Aspergillus niger. Trong nghiên cứu còn chứng minh được sự có mặt của Aspergillus niger đã làm tăng hàm lượng flavonoid trong quá trình bảo quản.

Theo đông y:

Trần bì có vị cay, tính ôn, quy vào kinh phế, can, tỳ, vị, tác dụng giúp giải tửu độc, lợi phế khí, trừ đàm, kiện tỳ, táo thấp, hóa đàm, chỉ tả, ích khí.

Công dụng của Trần Bì:

  • Giúp hỗ trợ điều trị và cải thiện tình trạng khó tiêu.
  • Hỗ trợ làm giảm tình trạng hen xuyễn.
  • Hỗ trợ ức chế sự phát triển của tụ cầu khuẩn và giúp chống viêm.
  • Hỗ trợ chống loét và làm giảm tiết dịch vị trên mô hình gây loét dạ dày bằng cách thắt môn vị.
  • Hỗ trợ trị ho, viêm họng và hỗ trợ làm giảm ho lâu, đau cổ.
  • Hỗ trợ trị ợ hơi, đầy chướng bụng và giảm buồn nôn.
  • Giúp kiện tỳ, táo thấp và hóa đờm.
  • Hỗ trợ chữa viêm đại tràng và giúp giải rượu.

Một số bài thuốc về Trần Bì:

Trị nguyên khí suy yếu, ăn uống không tiêu hoặc tạng phủ không điều hòa, dưới tim có hòn khối:

Quất bì, Chỉ thực (sao với trấu cho vàng) đều 40g, Bạch truật 80g. tán nhuyễn. Lấy Lá sen gói thuốc lại, làm thành viên, to bằng hạt đậuxanh lớn. mỗi lần uống 50 viên

Trị tiêu chảy kèm bụng sôi, bụng đau:

Bạch truật (thổ sao) 12g, Phòng phong (sao) 8g, Bạch thược (sao) 8g, Trần bì (sao) 6g. Tán bột, mỗi lần uống 4- 6g, ngày 2-3 lần, hoặc sắc uống

Trị ho có đờm (do cảm hàn), ho do họng viêm, phế quản viêm:

Bạch linh 12g, Trần bì 6g, Khương bán hạ 6g, Cam thảo 4g, Gừng tươi 2 lát, sắc uống

Trị tiêu hóa rối loạn, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng:

Sử dụng Đảng sâm 8g, Bạch truật 8g, Bạch linh 8g, Chích thảo 4g, Trần bì 6g, sắc uống hoặc làm thuốc hoàn tán.

Trị ho do họng viêm, phế quản viêm nhẹ:

Trần bì 6g, Cát cánh 6g, Tô diệp 6g, Cam thảo 4g, sắc uống

Trị tuyến vú viêm cấp:

Hàn Thiệu Minh dùng mỗi ngày Trần bì 30g, Cam thảùo 6g,sắc uống.

Trị phế quản viêm mạn, ho nhiều đàm:

Trấn Lương Hoa dùng Trần bì 6g, Bán hạ 6g, Bạch linh 10g, Đương qui 20g, Cam thảo 6g, Gừng 3 lát, tùy chứng gia giảm.

Lưu ý:

Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không tự ý bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Để biết thêm thông tin cụ thể vui lòng tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Không dùng cho trường hợp Thực nhiệt, khí hư, ho khan do âm hư, thổ huyết.