Ký sinh trùng là gì?

1.1. Ký sinh trùng:

Là những sinh vật sống nhờ vào các sinh vật khác đang sống, sử dụng chất dinh dưỡng của các sinh vật đó để tồn tại và phát triển. Ví dụ: giun, sán…

1.2. Vật chủ:

Là những sinh vật bị ký sinh trùng sống nhờ. Ví dụ người là vật chủ của các loại giun, sán …

Đặc điểm, cấu tạo Ký sinh trùng

2.1. Ký sinh trùng:

Có kích thước không giống nhau. Có loại rất nhỏ phải nhìn bằng kính hiển vi mới thấy như ký sinh trùng sốt rét có kích thước từ 3 – 10µm, có loại dài tới 20 – 25cm như giun đũa, lại có loại rất dài tới 8m như sán dây.

Ký sinh trùng, đặc điểm, cấu tạo, sinh lý, bệnh lý thường gặp!
Ký sinh trùng, đặc điểm, cấu tạo, sinh lý, bệnh lý thường gặp!

2.2. Ký sinh trùng:

Có loại là thực vật như nấm gây hắc lào, lang ben; có loại là động vật như các loại giun, sán; có loại là động vật đơn bào như KST Amip chúng chuyển động bằng giả túc (chân giả) hoặc chuyển động bằng roi như trùng roi Trichomonas.

2.3. Ký sinh trùng đa bào:

Như các loại giun, sán, chúng còn có những bộ phận đặc biệt để ký sinh và phát triển như giun móc có cái móc để bám chắc vào niêm mạc ruột, sán dây lại có hấp khẩu để hấp thu chất dinh dưỡng của vật chủ.

Đặc điểm sinh lý của ký sinh trùng

­3.1. Các hình thức sinh sản của ký sinh trùng:

Sinh sản vô tính: là hình thức sinh sản không có sự kết hợp giữa giao tử đựcvà giao tử cái như Amip, sinh sản bằng cách tách đôi hoặc như nấm sinh sản bằng cách nẩy chồi.

Sinh sản hữu tính: là hình thức sinh sản có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái như giun đũa đẻ ra trứng, giun chỉ sinh ra ấu trùng…

Sinh sản lưỡng tính: bản chất cũng là sinh sản hữu tính, song trong cùng một cơ thể có cả bộ phận sinh dục đực và bộ phận sinh dục cái.

Sinh sản đa phôi: bản chất cũng là sinh sản hữu tính, song một trứng có thể nở ra nhiều ấu trùng như sán lá gan.

3.2. Chu kỳ sinh sản của Ký sinh trùng:

Tùy từng loại ký sinh trùng mà chu kỳ có thể khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, qua một hay nhiều vật chủ, nhưng khái quát có thể chia làm 2 loại:

Chu kỳ đơn giản: là chu kỳ chỉ cần một vật chủ. Ví dụ như chu kỳ giun đũa người (Ascaris lumbricoides) chỉ có một vật chủ là người.

Chu kỳ phức tạp: là chu kỳ cần từ 2 vật chủ trở lên mới có khả năng khép kín chu kỳ. Ví dụ: chu kỳ của ký sinh trùng sốt rét cần phải có 2 vật chủ là người và muỗi mới có khả năng truyền bệnh sốt rét. Hoặc nhiều vật chủ như sán lá gan, bắt đầu từ trứng → ốc → cá → người hoặc chó, mèo, trâu, bò sẽ mắc bệnh sán lá gan.

Ngoài ra còn một kiểu chu kỳ đặc biệt, đơn giản nhất, ký sinh trùng chỉ ở một vật chủ và do tiếp xúc trực tiếp sẽ sang một vật chủ mới. Ví dụ như: KST ghẻ lây do tiếp xúc, trùng roi âm đạo lây qua giao hợp…

4. Bệnh ký sinh trùng:

4.1. Tác hại gây bệnh của ký sinh trùng

Ký sinh trùng gây nên một số tác hại cho sức khỏe con người như:

Hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể: Ví dụ như: các loại giun, sán gây suy dinh dưỡng, thiếu máu

Tiết ra các chất độc: làm cho cơ thể bị nhiễm độc tại chỗ hoặc nhiễm độc toàn thân, như giun móc tiết ra độc tố làm cho thiếu máu nặng thêm, giun đũa có thể gây nhiễm độc- sốt.

Kích thích gây viêm nhiễm: như loét niêm mạc ruột, giun chỉ gây viêm bạch mạch – phù chân voi.

Làm thay đổi thành phần nội môi: của cơ thể, như thay đổi thành phần của máu và huyết thanh.

Gây nên những biến chứng cấp tính: như giun đũa gây tắc ruột, giun chui ống mật, viêm tụy cấp tính.

4.2. Các đặc tính của bệnh ký sinh trùng

Bệnh thường diễn biến âm thầm, lặng lẽ, do đó rất khó phát hiện trên lâm sàng, chỉ khi nào có biểu hiện lâm sàng rõ rệt hoặc có biến chứng thì người bệnh mới đi khám xét.

Bệnh do ký sinh trùng đa số thường kéo dài vì tuổi thọ của KST thường khá dài, hàng tháng như giun kim 2 – 3 tháng, giun đũa tới 7 – 8 năm.

Bệnh ký sinh trùng là một bệnh xã hội: vì có liên quan mật thiết với vấn đề vệ sinh môi trường và với nhiều người trong xã hội.

4.3. Phòng bệnh do ký sinh trùng gây nên:

Bệnh do ký sinh trùng gây nên mang tính xã hội do đó biện pháp phòng bệnh là:

Cải tạo môi trường sống đặc biệt chú ý quản lý phân, nước, rác đúng quy trình để diệt mầm bệnh.

Diệt các vật chủ trung gian truyền bệnh như: ruồi, nhặng, chấy, rận, chuột, bọ chét….

Tăng cường truyền thông- giáo dục sức khỏe cho cộng đồng để mọi người có ý thức tự giác phòng bệnh như: nằm màn, ăn chín, uống nước đã đun sôi, phát quang bụi rậm, thường xuyên vệ sinh hoàn cảnh…