Cây Mạch môn là gì?

Cây Mạch môn trong dân gian còn có nhiều tên gọi khác như Lan tiên, cỏ lan, mạch đông, tóc tiên, mạch môn đông. Tên khoa học là Ophiopogon japonicus hay Convallaria japonica Linnaeus f. thuộc họ Tóc tiên (Ruscaceae).

Cây Mạch môn là cây thân thảo, cao khoảng chừng từ 10 – 40cm. Lá mọc từ gốc, hẹp, dài, gân lá song song, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới trắng nhạt. Hoa màu lơ nhạt mọc thành chùm, quả mọng màu tím. Rễ chùm có nhiều rễ phình thành vủ nhỏ hình thoi.

Cây Mạch môn, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh đông y?
Cây Mạch môn, Công dụng, Dược tính, Bài thuốc chữa bệnh đông y?

Phân bố Cây Mạch môn:

Mạch môn là giống cây bắt nguồn từ Nhật Bản, sau di thực vào nước ta và nhờ vào công dụng của nó mà người dân đem về trồng tại vườn, tiện cho việc thu hái dược liệu. Bạn có thể tim thấy chúng ở nhiều vùng phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Nam,… .

Bộ phận dùng Mạch môn:

Rễ củ của cây Mạch môn (Radix Ophiopogonis japonica)

Thu hoạch vào mùa hạ. Đào lấy rễ củ, rửa sạch, phơi nắng, xếp đống nhiều lần cho gần khô ( khô khoảng 70% – 80%), loại bỏ rễ tua, phơi hay sấy nehj đến khô. Trước khi dùng sao cách cát.

Thành phần hóa học Mạch môn:

Cây Mạch môn có chứa Saponin, carbohydrat, các hợp chất sterol,… .

Tác dụng – công dụng chung của cây Mạch môn:

Được sử dụng làm thuốc giảm ho, tiêu đờm, chữa táo bón, lợi tiểu.

Cây Mạch môn theo đông y:

Theo Đông y, mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát đi vào các kinh tâm, phế, vị. Có tác dụng  dưỡng âm, sinh tân,  nhuận phế, thanh tâm, thanh nhiệt, an ngũ tạng, ích tinh, lợi tiểu. Chủ trị các trường hợp cơ thể bị suy kém, như phế âm hư gây ho suyễn, tân dịch hao tổn do mất nhiều mồ hôi gây háo khát, táo kết đại tràng; hoặc tâm âm hư gây rối loạn vận mạch, ảnh hưởng đến chức năng tim mạch đều có thể dùng mạch môn để trị.

Dùng với liều từ 6 – 20g/ ngày, dưới dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với những vị thuốc khác.

Một số nghiên cứu khoa học về cây Mạch môn:

Trên thực nghiệm, khi sử dụng nước sắc từ cây Mạch môn có tác dụng tăng huyết lượng động mạch vành, bảo vệ bệnh thiếu máu cơ tim, cải thiện lực co bóp cơ tim và chống rối loạn nhịp tim, ngoài ra còn có tác dụng an thần (Trung Dược Học).

Trong một thực nghiệm khác, khi lấy dịch chiết từ cây Mạch môn tiêm vào bắp cho thỏ thì thấy lượng đường huyết tăng, nhưng cũng có báo cáo nói hạ đường huyết (Trung Dược Học).

Nước sắc từ Mạch môn gây ức chế mạnh tụ cầu trắng, trực khuẩn đại trường, trực khuẩn thương hàn (Trung Dược Học).

Dùng nước sắc hay cồn chiết xuất ra từ Mạch môn pha vào dịch truyền truyền cho thỏ, thấy đảo Langerhans phục hồi nhanh, tăng lưọng dự trữ Glycogen so với lô đối chứng (Chinese Hebral Medicine).

Bột Mạch môn có tác dụng ức chế Stapylococus albus vaf E. Coli (Chinese Hebral Medicine).

Một số bài thuốc có cây Mạch môn:

Trị tiêu khát:

Thiên môn, Mạch môn, Ngũ vị tử cân với lượng bằng nhau nấu đặc thành cao, thêm ít Mật ong để dùng dần (Giản Tiện phương).

Trị họng lở loét, Tỳ và Phế có hư nhiệt bốc lên:

Mạch môn 40g + Hoàng liên 20g phơi khô, tán nhuyễn, trộn với lượng mật vừa đủ để làm thành viên hoàn, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 20 viên với nước sắc Mạch môn (Phổ Tế Phương).

Trị táo bón:

20g mạch môn, sinh địa + 12g huyền sâm. Cho tất cả vào Sắc lấy nước uống.

Trị phụ nữ bị cốt chưng, trong xương nóng, buồn phiền, bứt rứt, mồ hôi trộm, miệng khô, khát mà không uống được nhiều, suyễn:

Thiên môn, Thanh hao, Miết giáp, Mạch môn, Sài hồ, Ngưu tất, Bạch thược, Địa cốt bì, Ngũ vị tử. Lượng bằng nhau, sắc uống (Hoạt Pháp Cơ Yếu).

Trị miệng lở lâu ngày không khỏi:

Thiên môn , Mạch môn cả hai dược liệu đều bỏ đi phần lõi, Huyền sâm. Lấy với bằng nhau, tán bột, thêm vào một lượng mật vừa đủ làm thành viên, to bằng hạt Long nhãn. Mỗi lần ngậm 1 viên [Bài này do nhà sư Liêu Sở truyền cho] (Ngoại Khoa Tinh Nghĩa).

Trị suy tim, ra mồ hôi nhiều, huyết áp hạ, mạch nhanh:

16g mạch môn, 8g nhân sâm. 6g ngũ vị từ. Cho tất cả vào sắc lấy nước uống, ngày uống một lần.

Chữa ho ra máu nặng:

8g bạch cập + 32g thục địa + 16g sơn thù + 16g hoài sơn + 12g trạch tả + 12g đan bì + 12g phục linh + 12g mạch môn + 16g a sao (sao phồng) + 8g bồ hoàng + 8g địa du + 4g ngũ vị tử, tất cả cho vào sắc chung lấy nước uống vào lúc đói nhất.

Trị lao phổi, viêm phế quản mạn tính, họng viêm mạn, có hội chứng phế kèm ho kéo dài, ho khan:

Mạch môn, Ngạnh mễ mỗi vị cân lấy 20g + Bán hạ chế 6g + Đảng sâm 12g + Cam thảo 4g + Đại táo 4 quả, cho tất cả vào sắc lấy mước uống (Mạch Môn Đông Thang- Kim Qũy Yếu Lược).

Trị táo nhiệt hại phế, ho khan, đờm dính, họng đau:

Mạch môn 5g + Thạch cao 10g + Tang diệp 12g + Cam thảo, Mè đen, Tỳ bà diệp mỗi vị cân lấy 4g + A giao, Hạnh nhân mỗi vị 3g. Cho tất cả vào sắc lấy nước uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Lưu ý sử dụng Mạch môn:

  • Thận trọng lúc dùng thuốc cho bệnh nhân tiêu chảy.
  • Thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi sử dụng cây sen.
  • Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, tuyệt đối không bốc thuốc theo thang hướng dẫn. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ thầy thuốc hoặc bác sĩ để biết thêm thông tin.

Xem thêm: Cây mộc hoa trắng!