Nội dung chính
Mẫu Lệ là gì?
Mẫu lệ được biết đến trong y học dân gian và có tên chuẩn là Vỏ Hàu hay còn gọi là tả Mẫu Lệ (Trung Quốc).
Cách làm Mẫu Lệ?
Để điều chế ra được bột mẫu lệ người ta thường phơi vỏ hàu khô rồi đem nung trên lửa hoặc ủ trong vỏ chấu (lúa) đến khi vỏ hàu biến thành màu trắng, đem giã nhỏ rồi nghiền thành bột.
Phân bổ – thu hái?
Vỏ hàu được phân bổ ở vùng biển và thu lượm quanh năm.
Tính vị qui kinh?
Mẫu lệ có tính hơi hàn và vị mắn, qui kinh Can thận.
Tính vị ở sách cổ?
- Sách Bản kinh: vị mặn bình.
- Sách Danh y biệt lục: hơi hàn không độc.
- Sách Cảnh nhạc toàn thư, Bản thảo chính: vị hơi mặn, hơi sáp tính bình.
- Sách Thang dịch bản thảo: nhập túc thái âm kinh.
- Sách Bản thảo kinh sơ: nhập túc thiếu âm, thiếu dương kinh.
Thành phần Mẫu Lệ?
Trong vỏ hàu có chứa chủ yếu là calcium như; Calcium phosphate, magnesium, calcium sulfate, aluminum, oxyt sắt, silice.
Dược lý?
A. Theo Y học cổ truyền:
Mẫu lệ có tác dụng: Bình can tiềm dương, nhuyễn kiên tán kết, thu liễm cố sáp.
Chủ trị các chứng can dương thượng kháng, nhiệt tà thương âm, hư phong nội động, kinh giản, loa lịch anh lựu, đàm hạch, cục sưng, gan lách to, mồ hôi trộm, di tinh, đái hạ, băng lậu.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: ” chủ thương hàn hàn nhiệt, kinh hủy nộ khí (tức giận run lên), phụ nữ xích bạch đới, uống lâu làm khỏe khớp xương”
- Sách Danh y biệt lục: ” cầm mồ hôi trộm trẻ em, người lớn, cùng dùng với Ma hoàng căn, Xà sàng tử, Can khương làm thành bột trị mồ hôi trộm”
- Sách Bản thảo cương mục: ” hóa đàm nhuyễn kiên, thanh nhiệt trừ thấp, trị tâm tỳ khí thống, chứng lî, xích bạch trọc, tiêu các chứng sán khí, trưng hà, anh lựu kết hạch”.
B. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
ít có ghi nhận về nghiên cứu.
- Thuốc có tác dụng nhất định trong điều trị lóet dạ dày tá tràng.
- Có người cho rằng thuốc có tác dụng nâng cao miễn dịch.
Ứng dụng lâm sàng:
1. Trị mồ hôi trộm thường gặp trong bệnh lao, suy nhược cơ thể:
- Nhất giáp tiễn: Mẫu lệ 40g sắc uống.
- Nhị long cốt Mẫu lệ tán: Long cốt, Mẫu lệ đều 18g, Phụ tử, Bạch thược, Bạch vi, Sinh khương đều 12g, Đại táo 3 quả, Cam thảo 4g, sắc uống. Trị chứng hư dương ngoại việt sốt về chiều tối, mồ hôi trộm, tự ra mồ hôi.
- Mẫu lệ 10g, Hoàng kỳ 4g, Ma hoàng căn 4g, Cám 10g, đổ 600ml nước sắc còn 200ml, chia nhiều lần uống trong ngày.
2. Trị chứng cao huyết áp có có triệu chứng đau đầu chóng mặt, ù tai, chân tay tê dại do can dương thịnh:
- Trấn can tức phong thang: Sinh giả thạch 20g, Xuyên ngưu tất 12g, Sinh Long cốt, Sinh Mẫu lệ, Sinh Qui bản đều 12g, sinh Bạch thược 20g, Huyền sâm 16g, Thiên môn đông 12g, Xuyên luyện tử, Đương qui, Sinh mạch nha, Nhân trần đều 12g, Cam thảo 4g, sắc nước uống.
3. Trị các chứng di tinh, đới hạ:
- Cố tinh hoàn ( Y phương tập giải): Mẫu lệ, Long cốt, Kim anh tử, Sa uyển tật lê, Liên tu, Khiếm thực, Liên nhục lượng bằng nhau, sao tán bột mịn làm hoàn hoặc sắc uống. Trị di tinh.
- Mẫu lệ hoàn: Mẫu lệ, A giao, Lộc giác giao, Qui thân, Tục đoạn đều 12g, Can khương 4g, Xích thạch chỉ 12g, Đại giá thạch 10g. Theo tỷ lệ các vị thuốc làm hoàn, mỗi lần uống 6 – 8g, ngày 3 lần. Trị xích bạch đới.
4. Trị lao hạch, gan lách to: thuốc có tác dụng nhuyễn kiên, tán kết.
- Tiêu hạch tán: Hải tảo, Mẫu lệ, Huyền sâm đều 120g, gạo nếp thứ tốt 240g sao vàng, Cam thảo sống 30g, tán bột mịn làm hoàn nhỏ, mỗi lần uống 4g với nước hoặc rượu ấm. Trị lao hạch.
- Mẫu lệ, Đào nhân đều 12g, Xuyên sơn giáp, Nhũ hương, Một dược đều 6g, Đơn bì, Qui vĩ, Trạch lan đều 12g sắc uống. Trị gan lách to.
5. Trị lóet dạ dày hành tá tràng:
Từ nguyên Xương dùng thang Long mẫu gồm có: Mẫu lệ nung, Long cốt sống hoặc nung mỗi thứ 30 – 50g. Đau nhiều gia thêm Diên hồ sách 10g; ngủ kém gia thêm Dạ giao đằng 15g, sắc uống mỗi ngày chia 2 lần. Một liệu trình từ 10 đến 20 lần. Đã trị 20 ca trong đó lóet dạ dày 2 ca, lóet hành tá tràng 18 ca. Kết quả khỏi 6 ca, tốt 5 ca, tiến bộ 6 ca, 3 ca không khỏi (Tạp chí Trung y 1983,3:36).
6.Trị còi xương:
Đồng Lợi Lệ dùng bài thuốc gồm: Mẫu lệ, Long cốt, Qui bản, Bạch truật, Hoàng kỳ, Sơn dược, Ngũ vị tử làm dạng bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g, một liệu trình 2 tháng. Đã trị 278 ca, tỷ lệ có kết quả trên 95% (Báo nghiên cứu Trung thành dược 1987,3:20).
Liều thường dùng và chú ý:
- Liều: 15 – 30g. Đập vụn sắc trước, dùng ngoài theo yêu cầu.
- Dùng ngoài phối hợp với Hoàng đơn, Khô phàn tán bột trị sang lở lâu ngày không khỏi.
Một số bài thuốc từ Mẫu Lệ?
Chữa di mộng tinh:
mẫu lệ 10g, lộc giác sương 50g, trộn đều, rây bột mịn, uống mỗi ngày 8-16g, nước sắc dây tơ hồng 30g.
Chữa tiểu dắt, tiểu són:
mẫu lệ nung đỏ, cao da trâu, lộc nhung, tang phiêu tiêu sao với rượu (lượng mỗi thứ bằng nhau) tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với hồ nếp làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 50 viên chia làm 2 lần, chiêu với nước muối pha rượu vào lúc đói. Hoặc bột mẫu lệ 40g, nhồi vào bong bóng lợn rồi nấu nhừ. Để nguội, bỏ bột mẫu lệ, thái nhỏ, ăn trong ngày.
Dùng ngoài đắp chữa sưng đau ngọc hành ở trẻ em:
mẫu lệ nung đỏ, tán nhỏ trộn với đào nhân giã nát (lượng bằng nhau) thêm nước cho nhão đắp lên vùng sưng (Nam dược thần hiệu).
Chữa chứng dương hư, sốt về chiều:
mẫu lệ 12g, bạch thược 10g, phụ tử chế 10g, gừng sống 10g, cam thảo 3g, đại táo 3 quả. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Chữa ra mồ hôi trộm:
mẫu lệ, đỗ trọng (lượng bằng nhau) phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống mỗi lần một thìa cà phê với ít rượu. Ngày 2-3 lần (Hải Thượng Lãn Ông). Hoặc mẫu lệ 8g uống với nước sắc hoàng kỳ và ma hoàng (mỗi thứ 6g).
Bột mẫu lệ nung 12g, long cốt nung 12g, hoàng kỳ 12g, bột tẻ 40g, trong biệt dược “Ôn phấn” dùng xoa chữa mồ hôi trộm rất tốt.